Để chuyển đổi số thành công, bên cạnh các yếu tố về nhân lực, hạ tầng cơ sở, thì dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố then chốt. Vì thiếu cơ sở dữ liệu, các hoạt động của chuyển đổi số đều không có giá trị, không thể phát triển; các ứng dụng, dịch vụ, nền tảng số sẽ “đóng băng”… Do vậy cơ sở dữ liệu trong tiến trình chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nói chung và ở khía cạnh quản lý vận hành an toàn các tổ máy nói riêng có ý nghĩa quan trọng.
Hiện nay, đối với các tổ máy của Thủy điện Pleikrông, chỉ một số sự cố có tín hiệu chỉ báo cụ thể; còn lại một số sự cố, tín hiệu được ghép nối song song thành từng nhóm và đưa đến rơ le đầu ra chung hoặc tín hiệu được hình thành theo kiểu chuỗi nối tiếp, qua nhiều khâu, thiết bị trung gian trước khi đưa đến rơle đầu ra. Khi xảy ra sự cố, rơle đầu ra chung tác động, để xác định nguyên nhân cụ thể, nhân viên vận hành phải tra cứu lại sơ đồ logic bảo vệ (sơ đồ giấy) để xác định chính xác nhóm bảo vệ nào làm việc (rơ le đầu vào nào tác động) sẽ xảy ra sự cố trên, tiến hành kiểm tra, đối chiếu lại thực tế tại hiện trường. Từ đó mới xác định được nguyên nhân và đưa ra quyết định bước xử lý kế tiếp. Trong nhiều trường hợp phức tạp, phải tra cứu nhiều sơ đồ, liên kết, ghép nối dữ liệu với nhau mới xác định được nguyên nhân.
Màn hình minh họa Xây dựng sơ đồ khối từ mạch nhị thứ
Cách làm như thế mất khá nhiều thời gian để xác định nguyên nhân sự cố và đưa ra quyết định xử lý. Điều này ảnh hưởng đến thời gian xử lý, khắc phục sự cố, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Nhà máy cũng như an ninh hệ thống điện. Đặc biệt là trong các thời điểm cần khai thác cao tổ máy để đáp ứng nhu cầu phụ tải hoặc khai thác an toàn, hiệu quả hồ chứa vì Thủy điện Pleikrông là bậc thang phía trên của 05 nhà máy trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Sê San.
Nhận thức rõ được trách nhiệm của đơn vị và những bất cập hiện hữu, theo định hướng, lộ trình chuyển đổi số của Công ty; Phân xưởng vận hành Pleikrông đã rà soát, phân giao nhiệm vụ cho các cá nhân từ sơ đồ nhị thứ logic bảo vệ tổ máy hiện hữu, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguyên nhân hình thành sự cố theo dạng sơ đồ thuật toán, sơ đồ khối. Tại mỗi nguyên nhân có gán thêm tên của từng rơ le nhánh tương ứng (rơle đưa tín hiệu đến rơle đầu ra chung) và sẽ được tích hợp vào mã QR code để quản lý, truy xuất. Trước tiên thực hiện cho logic bảo vệ Stop2, Stop3, Stop4 của tổ máy, sau đó nhân rộng cho bảo vệ của hệ thống kích từ, điều tốc…và các mạch bảo vệ của các hệ thống thiết bị trong Nhà máy.
Nhân viên vận hành lấy thông tin dữ liệu từ mã QR Code
Khi cơ sở dữ liệu về các nguyên nhân sự cố được xây dựng xong sẽ giúp cho nhân viên vận hành giảm thời gian tra cứu dữ liệu, phán đoán nhanh, chính xác nguyên nhân sự cố và sớm đưa tổ máy vào vận hành để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho hệ thống, nâng cao các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Nhà máy, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời cũng tạo nguồn dữ liệu, thuận lợi cho việc kiểm tra, theo dõi và học tập của nhân viên vận hành./.
Tô Điểm_PLK