Tin tức sự kiện

Thủy điện Ialy với tiến trình 100 tỷ kWh điện

Chủ nhật, 27/11/2022 | 06:32 GMT+7
Kể từ khi phát điện tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Ialy ngày 12/5/2000 đến nay, tổng sản lượng đã đạt 100 tỷ kWh điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Công ty Thủy điện Ialy quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện có công suất lớn trên dòng sông Sê San: Ialy: 720 MW (hiện nay đang thi công mở rộng thêm 2 tổ máy với công suất mỗi tổ 180 MW), Sê San 3: 260 MW, Pleikrông: 100 MW, sản lượng điện bình quân theo năm là 5.310 triệu kWh.

Kể từ khi phát điện tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Ialy ngày 12/5/2000 đến nay, qua hơn 22 năm vận hành an toàn gần như tuyệt đối, tổng sản lượng đã đạt 100 tỷ kWh điện.

Ông Đoàn Tiến Cường, Giám đốc Công ty nhìn nhận: Để đạt được sản lượng điện như vậy là cả một quá trình phấn đấu của tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trong đơn vị, họ đã cống hiến cả sức lực và trí tuệ, nỗ lực hết mình vì công việc được giao. Mặt khác, 100 tỷ kWh điện đã nói lên vai trò quan trọng của nhà máy trong việc góp phần đảm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh cho hệ thống truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng khá lớn để phát triển các ngành kinh tế khác, phục vụ nhu cầu xã hội, đời sống dân sinh và đóng góp mỗi năm trên, dưới 1.000 tỷ đồng bằng việc nộp các nguồn thuế ổn định cho 2 địa phương Gia Lai và Kon Tum.

Ông Đoàn Tiến Cường - Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy

Ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của cả tập thể, của mỗi cá nhân trong toàn doanh nghiệp cho tiến trình từ con số 0 đến 100 tỷ kWh điện là điều hiển nhiên, song trong đó có vai trò nổi trội của người quản lý được thể hiện rất rõ, đã định hình các phương pháp quản lý hiệu quả, đưa Công ty Thủy điện Ialy có những bước tiến bộ mới, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Từ tháng 2/2000 đến tháng 12/2006, là giai đoạn ông Huỳnh Nở đảm nhận chức vụ giám đốc nhà máy. Thời điểm này, tuy nhà máy được lắp đặt các tổ máy, thiết bị điều khiển… được xem là hiện đại nhưng thiếu đồng bộ, tổ máy của Thủy điện Ialy được cung cấp từ Nga, nhưng thiết bị điều khiển lại được mua từ các nước G7. Sự thiếu đồng bộ đã gây ra nhiều phức tạp trong vận hành, những khiếm khuyết của thiết bị là yếu tố đe dọa đến an toàn của tổ máy cũng như hệ thống thiết bị. Không thể nhớ hết những khiếm khuyết, sai sót của cả tổ máy cũng như thiết bị, nhưng đều được những kỹ sư, công nhân của nhà máy xử lý rất hiệu quả.

Chỉ đưa ra đây một ví dụ là xử lý khiếm khuyết của tổ máy số 1. Khi đưa tổ máy này vào vận hành chạy thử thì xuất hiện tình trạng tụt trục khối Rôto, dẫn đến thành bể dầu bị mài, nên bốc khói. Về nguyên tắc thì phía Nga là bên cung cấp thiết bị phải chịu trách nhiệm khắc phục. Tuy nhiên, để vận chuyển tổ máy sang Nga là việc làm tốn kém rất lớn mà chờ chuyên gia sang thì cũng mất rất nhiều thời gian, nhưng vẫn không chắc chắn. Lúc đấy cần phải có quyết định để xử lý vấn đề, mặc dù là phá vỡ nguyên tắc. Ông Huỳnh Nở nhớ lại, đã phải vừa lệnh vừa động viên những kỹ sư, công nhân nhà máy tự nghiên cứu, sửa chữa. Việc tụt Rôto tổ máy là do giá chữ thập không chịu đựng được, cần phải hàn gia cường, thêm gân chịu lực. Khi hàn song thì cân chỉnh trở lại và đưa vào vận hành. Tổ máy đã chạy tốt và sau đó các tổ máy số 2, 3,4 của Nhà máy thủy điện Ialy đều được làm như thế và chạy ổn định cho đến tận bây giờ…

Ông Huỳnh Nở - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Ialy (2000-2006)

Người đảm nhận chức vụ giám đốc Công ty, kế tiếp (từ tháng 01/2007 đến tháng 9/2017) là ông Tạ Văn Luận. Giai đoạn này, việc nổi trội trong công tác quản lý, điều hành là đã tập trung xây dựng thương hiệu cho Công ty thủy điện Ialy. Công ty đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chức danh quản lý, vận hành, sửa chữa thiết bị cho rất nhiều nhà máy thủy điện trong nước và nước ngoài, như: Sơn La, A Vương, Xekaman… thực hiện hợp đồng sửa chữa, thí nghiệm điện, hóa cho các Nhà máy thủy điện Sê San 3A, Hàm Thuận-Đa Mi, Sê San 4A…

Tháng 8/2012, một nhóm công tác của Công ty đã ra Quảng Ninh khôi phục tổ máy số 7 Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Đây là tổ máy có công suất 300MW đã ngừng hoạt động lâu ngày nhưng chưa tìm ra được nguyên nhân. Sau một thời gian ngắn nhóm công tác của Ialy đã khôi phục, vận hành trở lại thành công mà chi phí rất nhỏ, so với dự kiến phải thay mới hệ thống kích từ tổ máy này. Vào tháng 9/2013, cán bộ công nhân viên của Công ty cũng giúp Thủy điện Quảng Trị khôi phục tổ máy số 2 đã “chết lâm sàng”. Một ví dụ khác, vào tháng 11/2013, một trận mưa lớn với hàng chục ngàn m3 nước, cát, đất đã trút xuống tràn ngập hoàn toàn Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak làm tê liệt nhà máy. Công ty thủy điện Ialy đã cử 35 kỹ sư, công nhân kỹ thuật giúp khôi phục 2 tổ máy. Với kinh nghiệm sẵn có và sự sáng tạo của mình, các cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật Ialy đã khắc phục thành công.

Ông Tạ Văn Luận - Giám đốc Công ty (2007-2017)

Người đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty tiếp theo sau đó cho đến nay là ông Đoàn Tiến Cường. Trong giai đoạn này, Công ty thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ mà người quản lý có vai trò dẫn dắt những bước chuyển phù hợp. Nếu trước đây, Ialy quản lý cả lực lượng vận hành lẫn lực lượng sửa chữa thì lúc này lực lượng sửa chữa được tách ra. Và như vậy, nếu như trước đây lực lượng vận hành chỉ đơn thuần thực hiện công việc là vận hành thì nay “gánh” thêm vai trò quản lý kỹ thuật, sửa cái gì, sửa như thế nào... đều phải chủ động và đặt hiệu quả kinh tế, độ tin cậy của thiết bị lên trên hết.

Một lĩnh vực khác cũng cần đề cập đến của Ialy trong giai đoạn hiện nay chính là những kết quả tích cực công tác chuyển đổi số, đòi hỏi phải chủ động thích ứng và đưa chuyển đổi số thành một nhiệm vụ quan trọng. Từ chủ đề năm 2021 của EVN là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trên tất cả các mặt hoạt động. Mục tiêu hướng đến là đã thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về chuyển đổi số, thay đổi phương thức làm việc trên môi trường truyền thống trước đây bằng môi trường số, dựa vào nền tảng công nghệ thông tin, internet…

Qua gần 2 năm triển khai, đến nay có thể tự tin khi nói rằng: Với Ialy, chuyển đổi số là hành trình từ “thay đổi nhận thức” đến “hình thành ý tưởng” và “chuyển hóa vào thực tế” để “mang lại giá trị thực”: 100% số tổ máy của Công ty đã được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM (bảo trì dựa trên độ tin cậy).

Từ năm 2022, toàn bộ các danh mục sửa chữa lớn ngoài tổ máy đều được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo RCM; Xây dựng ứng dụng trên mobile: Khảo sát, báo cáo hiện trường phục vụ bảo trì công trình dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường; Số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị trên phần mềm PMIS; Số hóa quy trình giám sát, nghiệm thu SCL tự thực hiện trên phần mềm PMIS; Thu thập số liệu thủy văn tự động nhập vào phần mềm PMIS; 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông, lĩnh vực văn phòng có đến 90% quy trình nghiệp vụ không sử dụng giấy… Từ năm 2021, ngoài sản xuất thì EVN giao thêm cho Công ty nhiệm vụ làm công việc tư vấn, giám sát, chuẩn bị sản xuất cho Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng. Đây là nhiệm vụ cũng khá nặng nề và đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong vai trò lãnh đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân…

Qua năm tháng, Ialy đã chứng tỏ thêm bản lĩnh, sức sáng tạo để đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp bằng phương pháp mới dựa trên sự phát triển của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, là những yếu tố để thực hiện tốt vai trò của mình trong việc cung cấp nguồn điện phục vụ cho phát triển đất nước trong giai đoạn tới./.

Hoàng Anh Phượng