Một số vấn đề lưu ý khi tham gia hiến máu tình nguyện:
- Việc cho và nhận máu đều được thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt, để đảm bảo tính an toàn cho cả người cho và người nhận. Những người dưới 45 kg, dưới 18 tuổi đều không đủ điều kiện tham gia hiến máu. Những người nhiễm HIV, người bị viêm gan B và các bệnh lây nhiễm khác, người có tiển sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, huyết áp thấp, ung thư, phụ nữ đang mang thai, đang có kinh nguyệt, đang cho con bú không tham gia hiến máu.
- Điều kiện đối với người hiến máu tình nguyện: Ở trong tình trạng sức khoẻ tốt, đảm bảo các yêu cầu về sức khoẻ theo quy định và cam kết tự nguyện hiến máu. Người từ đủ 18 đến 60 tuổi không phân biệt nam hay nữ. Người hiến máu phải có trọng lượng cơ thể từ 42 kg trở lên đối với nữ và từ 45 kg đối với nam; thể tích máu mỗi lượt hiến máu lấy không quá 09 ml/kg cân nặng và không được quá 450 ml máu toàn phần. Người hiến máu phải có trọng lượng cơ thể ít nhất là 50 kg đối với hiến các thành phần máu bằng gạn tách và hiến mỗi lượt không quá 500 ml tổng các loại thành phần (huyết tương, tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu, tế bào gốc). Không mắc các bệnh mãn tính các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, tiêu hoá, tâm thần kinh; không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục; Người hiến máu có tình trạng khoẻ mạnh, không có các biểu hiện bất thường bệnh lý cấp tính và mãn tính; huyết áp bình thường (tối đa 110-120mmHg, tối thiểu 80-90mmHg); không có các biểu hiện: sút cân nhanh (trên 10% trọng lượng cơ thể trong 06 tháng), hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi trộm, hạch to, sốt, phù, ho, khó thở, tiêu chảy, xuất huyết các loại, xuất hiện các tổn thương bất thường trên da. Đảm bảo một số chỉ số sinh học bình thường và được xét nghiệm trước khi hiến máu.
- Đêm trước khi tham gia hiến máu: Người hiến máu nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia,… Cần ăn nhẹ vào buổi sáng (uống sữa, ăn phở....) trước khi hiến máu. Như vậy sẽ làm giảm bớt một số cảm giác có thể có sau khi hiến máu (váng vất, hơi mỏi mệt) nhưng không nên uống cà phê, chè đặc trước khi hiến máu.
- Sau khi hiến máu: Trong 3 ngày đầu nên giữ sạch nơi chọc ven, nên uống nhiều nước; không nên lao động nặng, làm việc quá sức, tránh làm những việc đặc biệt nguy hiểm, không say rượu, cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, liên hệ với cơ sở truyền máu khi thấy có những bất thường về sức khỏe. Khoảng cách giữa các lần hiến máu an toàn là 12 tuần một lần.
- Và điều cần lưu ý là khi tham gia hiến máu nhớ mang theo căn cước công dân và điền đầy đủ vào phiếu đăng ký.
Người hiến máu tình nguyện được hưởng các quyền lợi sau:
(Theo Thông tư số 33/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Y tế quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn).
- Được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm về máu bí mật bằng thư riêng miễn phí: Nhóm máu, HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh về máu được các bác sĩ mời tư vấn miễn phí về sức khỏe và hướng dẫn điều trị.
- Được chăm sóc, bồi dưỡng trực tiếp: Phục vụ ăn nhẹ, nước uống tại chỗ; được nhận quà lưu niệm; nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện; được thông báo kết quả tất cả các xét nghiệm máu đã thực hiện sau 01 tuần.
- Hiến máu không chỉ cứu người mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe người hiến máu. Khoa học chứng minh, hiến máu nhiều lần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm thiểu bệnh tim mạch. Hiến máu làm cho tinh thần sảng khoái hơn, ăn ngủ ngon hơn. Máu trong cơ thể của bạn cho đi sẽ được tái tạo nhanh sau 3 đến 5 ngày, máu mới do cơ thể sinh ra được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật, tạo sự phấn chấn vui vẻ hơn. Như vậy hiến máu làm cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn và cũng là cách để chúng ta kiểm tra giám sát sức khỏe của mình được tốt hơn.
- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, ngoài giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn miễn phí lại số lượng máu đã hiến khi không may bị ốm đau, rủi ro, hoạn nạn, phẫu thuật cần truyền đến máu. Ngoài việc được bồi hoàn lại số lượng máu đã hiến, người hiến máu còn được ưu tiên trong việc truyền máu khi cần, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị ở tất cả các bệnh viện công lập trong toàn quốc và có giá trị suốt đời. Được đảm bảo bí mật các thông tin về cá nhân theo đúng quy định.
Hiến máu tình nguyện vì sức khỏe của mọi người và sức khỏe của chính mình. Mỗi CBCNV hãy tích cực hưởng ứng hiến máu tình nguyện để cứu người bệnh, với nghĩa cử cao đẹp “ Vạn trái tim - Một tấm lòng”.
Hải Phương tổng hợp đưa tin