1. Khoản lỗ của EVN có phải do đầu tư ngoài ngành?
Vấn đề này đã được Bộ Công Thương giải thích nhiều lần và khẳng định EVN không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành. Từ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 về phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.
Khoản vốn đầu tư còn lại là 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực cũng đã được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.
2. Điều chỉnh giá điện vừa qua căn cứ quy định nào? Vì sao giá điện bản lẻ tăng 3% từ 4/5/2023 mà EVN vẫn tiếp tục bị lỗ? Có tiếp tục tăng giá điện nữa hay không?
Việc điều hành giá bán lẻ điện vừa qua đã được Bộ Công Thương, EVN thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 trên tinh thần giá điện được điều chỉnh khi các thông số đầu vào hiện hành biến động so với thông số đầu vào trong phương án giá điện hiện hành.
Theo kết quả kiểm tra giá thành của Đoàn kiểm tra (bao gồm đại diện của các bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan) công bố ngày 31/3/2023, hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ - 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Đối với EVN, theo tính toán sơ bộ, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3% từ ngày 04/5/2023 dự kiến doanh thu của EVN tăng thêm trong năm 2023 (từ ngày 04/5 đến ngày 31/12/2023) là khoảng 8.000 tỷ đồng. So với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023.
Mặc dù vậy, để đảm bảo cân đối tài chính năm 2023 và bù được khoản lỗ của năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân cần được điều chỉnh tiếp theo thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ biến động của giá cả thị trường trong và ngoài nước và chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. EVN sẽ tiếp tục kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền về tình trạng hoạt động và luôn chấp hành theo đúng chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các Bộ ngành.
3. Tại sao công ty mẹ EVN lỗ còn các công ty con lại lãi?
Về vấn đề này, trong cuộc gặp báo chí ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ, áp dụng từ tháng 7/2012. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đã giải thích thêm:
Nguyên tắc vận hành thị trường này là EVN mua các nguồn điện trên thị trường theo giá từ thấp đến cao đến khi đủ với nhu cầu của hệ thống điện. Tức là tổ máy phát điện nào chào giá thấp trên thị trường được huy động trước, tổ máy giá cao sẽ huy động cuối cùng. Toàn bộ các nguồn từ thủy điện, than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho Tập đoàn điện lực Việt Nam. EVN hiện đóng vai trò người mua duy nhất, thực hiện mua hộ điện cho toàn hệ thống, phải mua các tổ máy có chi phí nhiên liệu cao với giá đắt đỏ để đáp ứng đủ yêu cầu của hệ thống điện, trong khi giá bán điện tới khách hàng do Nhà nước điều tiết.
Nếu EVN không phải người mua duy nhất, khách hàng phải mua giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Đơn cử, nếu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo thiết kế, các nhà máy phát điện được chọn bán cho khách hàng trực tiếp. Như vậy, nếu khách hàng mua điện của nhà máy sản xuất giá cao bằng dầu, khí, họ phải trả đúng giá, không ai mua hộ và bán với giá thấp nữa. Đấy là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Hiện thị trường điện Việt Nam chưa phát triển đến cấp độ bán lẻ cạnh tranh nên EVN vẫn phải đóng vai trò người mua duy nhất "single buyer", tức là EVN mua hộ và phải chịu các chi phí cao khi giá mua điện tăng, giá bán ra thấp do chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ gây lỗ. Đây vừa là cái khó nhưng cũng là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
4. Nói EVN độc quyền có đúng không?
Để thực hiện chủ trương phát triển thị trường điện, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Ngày 1/7/2012, thị trường điện (TTĐ) bắt đầu vận hành giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) chính thức. Từ 1/1/2019 đến nay, TTĐ đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) và đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, chuẩn bị để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM).
Khâu phát điện đã được vận hành theo thị trường phát điện cạnh tranh. Đến thời điểm tháng 5/2023, tổng công suất nguồn điện của EVN và các Tổng Công ty Phát điện thuộc EVN chỉ chiếm 37,7% công suất đặt của toàn hệ thống điện.
Đối với khâu truyền tải điện: Trước ngày 01/3/2022 theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực số 28/2004/QH11 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13) thì Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải. Kể từ ngày 01/3/2022, khi Luật số 03/2022/QH15 (Luật sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật số 03/2022/QH15 đã sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực, theo đó không còn quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải mà thực hiện việc xã hội hóa, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực.
Đối với khâu bán lẻ điện, EVN đã thực hiện theo lộ trình như sau: (i) EVN đã thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và chi phí khâu kinh doanh bán lẻ điện theo từng cấp điện áp. Đây sẽ là tiền đề để tiếp tục tách bạch về mặt tổ chức giữa hai khâu này khi có chỉ đạo của Chính phủ để đủ điều kiện tham gia thị trường điện bán lẻ và (ii) EVN đã chủ động chỉ đạo xây dựng Đề án thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, và báo cáo Bộ Công Thương.
Hiện nay, bán lẻ điện trên toàn quốc do 5 Tổng Công ty Điện lực thực hiện, ngoài ra còn có 734 tổ chức bán buôn khác đang tham gia bán lẻ điện đến khách hàng sử dụng điện, do vậy EVN không phải là tổ chức bán lẻ điện duy nhất trên toàn quốc.
5. Tại sao giá điện lại có nhiều mức giá khác nhau đối với các đối tượng khách hàng (sản xuất, sinh hoạt, hành chính sự nghiệp, thương mại, ...) mà không có 1 mức chung như giá xăng dầu?
Căn cứ theo cơ sở pháp lý của Điều 29, Điều 30, Điều 31 Luật Điện lực quy định về giá điện và Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó quy định quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện bảo gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trên cơ sở QĐ 28/QĐ-TTg, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo Quyết định 28/QĐ-TTg, giá bán lẻ điện được quy định:
- Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp (từ 110 kV trở lên, từ 22 kV đến 110 kV, từ 6 kV đến dưới 22 kV và dưới 6kV) áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp.
- Giá bán điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày cho mục đích sản xuất. kinh doanh tại các cấp điện áp được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện.
- Giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Trong từng thời kỳ Nhà nước sử dụng giá điện là một trong những công cụ điều hành kinh tế vĩ mô, và giá điện luôn được phân chia theo các nhóm đối tượng tùy theo mục đích sử dụng điện, từng giai đoạn lịch sử có thêm hoặc bớt đi các nhóm đối tượng được khuyến khích hay không khuyến khích sử dụng điện hoặc ưu đãi phát triển.
Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024, tại mục III, khoản 6 có nêu “Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ ...) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.”
6. Tại sao có tình trạng tiết giảm điện diện rộng ở phía Bắc trong thời gian gần đây? Việc thực hiện tiết giảm điện được thực hiện theo quy định nào?
Năm 2023, từ tháng 5/2023 tình hình thủy văn diễn biến không thuận lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các hồ thủy điện lớn khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về rất kém; tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn đều có lưu lượng nước về rất thấp và thấp nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5/2023). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp để vận hành hệ thống điện; tăng cường cung cấp nhiên liệu; cập nhật tình hình thời tiết thuỷ văn để điều chỉnh phương thức vận hành; tổ chức ứng trực xử lý sự cố; huy động tối đa các nhà máy điện để đảm bảo cung cấp điện tối đa cho nhu cầu phụ tải.
Mặc dù EVN đã nỗ lực huy động tối đa các nguồn điện ở miền Bắc; tăng tối đa truyền tải điện từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao ở miền Bắc đặc biệt là trong những đợt nắng nóng nhưng nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao trong các ngày nắng nóng nên hệ thống điện chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng điện. Cụ thể: trong tháng 5 và các ngày đầu tháng 6/2023, sản lượng ngày cực đại hệ thống điện miền Bắc đã lên đến 453 triệu kWh chiếm 51% tổng sản lượng toàn quốc và tăng 20,5% so với cùng kỳ 2022. Các ngày đầu tháng 6/2023 việc tiết giảm điện đã phải thực hiện ở khu vực miền Bắc. Còn lại, từ Hà Tĩnh trở vào phía Nam vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện.
Có thực tế là hiện nay tổng công suất nguồn điện của cả nước là gần 78000 MW nhưng phần công suất của các nhà máy do EVN và các đơn vị trong EVN quản lý (bao gồm cả 3 Tổng Công ty phát điện) chỉ còn chiếm tỷ trọng vào khoảng 37% nguồn công suất đặt hệ thống.
Việc thực hiện tiết giảm điện hiện đang được thực hiện theo Thông tư số 34/2011/TT-BCT ngày 07/9/2011 của Bộ Công Thương về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện năng khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điệnvà Thông tư 22/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
7. Tổn thất điện năng của EVN hiện nay ở mức nào so với thế giới? Có phải tác động nhiều đến chi phí giá thành điện tăng cao hay không?
Tổn thất điện năng (TTĐN) cần được hiều là điện năng dùng để truyền tải bà phân phối điện, nó là điện năng do các phần tử điện phát nhiệt trong quá trình truyền tải điện từ các nhà máy điện qua lưới điện truyền tải, phân phối đến các hộ tiêu thụ điện. TTĐN gồm TTĐN kỹ thuật và TTĐN phi kỹ thuật, các hệ thống điện đều đặt mục tiêu đưa TTĐN về mức tổn thất kỹ thuật (nếu tiếp tục giảm thì cần phải đầu tư về trang bị kỹ thuật và sẽ không hiệu quả về kinh tế).
Trong nhiều năm, EVN luôn xác định thực hiện giảm TTĐN là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Hàng năm EVN đều phân tích, đánh giá kết quả giảm TTĐN và rút kinh nghiệm đề ra giải pháp giảm TTĐN cho năm tiếp theo. Số liệu TTĐN năm 2022 TTĐN truyền tải khoảng: 2,54% và TTĐN phân phối khoảng 3,67%, TTĐN của toàn hệ thống điện là 6,25%, đã tiệm cận với mức tổn thất kỹ thuật.
Hiện nay, TTĐN trên lưới điện Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore với lưới điện quy mô thành phố có TTĐN khoảng 3%); ngang với Thailand (Thái Lan có TTĐN Truyền tải khoảng 2,0%; CTĐL Bangkok -MEA 3,96%; CTĐL tỉnh-MEA: TTĐN 5,4%); tốt hơn so với Malaysia: 7,76% và tốt hơn Indonesia: 8,74%.
So sánh với các nước trên thế giới:
Theo một số số liệu thu thập từ trước 2018, TTĐN của Việt Nam thấp hơn một số nước phát triển như Liên bang Nga (10%), Vương quốc Anh (8,3%), Brazil (15%), Hongkong (12%), Hungary (12%), Rumani (10%), Tây Ban Nha 9,5%....
Như vậy có thể thấy TTĐN của EVN ở mức tương đối tốt, góp phần giảm chi phí của EVN.
Nguồn: EVN