Bài: Huỳnh Nở - Nguyên
Bí thư Đảng ủy- Giám đốc Nhà máy Thủy điện Ialy, Ảnh: Ngọc Hiến
Thông thường
thì việc gì khởi đầu đều có những khó khăn nhất định của nó, đấy
là dĩ nhiên. Đối với Nhà máy Thủy điện Ialy cũng không ngoại lệ. Ngày
28, tháng 2, năm 2000 là ngày chính thức thành lập Nhà máy Thủy điện
Ialy-ngày mà tất cả cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Thủy điện
Ialy chính thức đảm nhiệm trọng trách của mình: chịu trách nhiệm
quản lý, vận hành phát điện nhà máy-một tài sản lớn của quốc gia,
một công trình thế kỷ.
Ở vào thời
điểm đó, những khó khăn thì nhiều vô kể, không thể nói hết được,
cũng không nói đến nỗi vất vả trong đời sống hàng ngày của CBCVN mà
chỉ nói sơ lược vài nét chính về tiếp nhận, vận hành nhà máy.
Trong thời
kỳ đầu vận hành, Nhà máy Thủy điện Ialy đã bộc lộ hàng nghìn
khiếm khuyết do chất lượng thiết bị, do công nghệ, do lắp ráp... làm cho
sự cố tổ máy và thiết bị liên tục xảy ra. Có những sự cố dẫn đến
phải ngừng toàn bộ nhà máy, làm gián đoạn việc cung cấp điện, nguy
cơ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Có thể dẫn ra đây một số ví dụ
điển hình.
Do thiếu
sót trong lắp đặt và sự biến dạng của giá đỡ chữ thập nên toàn bộ
khối quay rôto máy phát và bánh xe công tác tua bin nặng tới 500 tấn
của tổ máy số 1 đã bị tụt xuống 5mm so với mức chuẩn, làm ảnh
hưởng đến chế độ vận hành của tổ máy, làm hỏng má phanh, nứt vành
chắn dầu trên trục tại ổ hướng tuabin, dẫn đến phải ngừng vận hành.
Nhà máy đã yêu cầu nhà chế tạo và phía lắp máy phải xử lý nhưng
không ai tìm ra giải pháp. Độ đảo trục của tổ máy số 3 khi vận hành
vượt quá giới hạn cho phép và tổ máy cũng phải dừng hoạt động. Do
sai sót của chuyên gia Nga trong quá trình lắp sứ đầu ra của máy biến
áp 500 KV dẫn đến khi vận hành dầu trong cáp 500 KV tràn vào dầu máy
biến áp, nguy cơ dẫn đến làm giảm cách điện của dầu và hỏng máy
biến áp. Do thiếu sót trong quá trình thiết kế và chế tạo tuabin dẫn
đến bị sai lệch , gây ra tình trạng xâm thực rất lớn cả 4 tổ máy.
Nhà máy chế tạo đã phải chấp nhận thiết kế, cải tạo lại và tháo
hoàn toàn bánh xe công tác của tuabin đem về xưởng cùng với Công ty
Lắp máy 10 xử lý, thời gian kéo dài gần 4 tháng nhưng kết quả không
đạt yêu cầu. Sau này nhà máy đã tự đứng ra xử lý tất cả các khiếm khuyết nêu
trên.
Ông Huỳnh Nở kiểm tra mức độ hư hỏng của thiết bị do sự cố tụt trục rotor
Đó là những thực tế xảy ra đối với
các tổ máy, tương tự như vậy cũng xảy ra với hàng loạt sự cố của
hệ thống điều khiển, hệ thống kích từ, hệ thống điều tốc, nó dẫn
đến tình trạng gây ra sự cố với các tổ máy...
Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo Nhà
máy Thủy điện Ialy đã dám chịu trách nhiệm để động viên, khích lệ anh em
kỹ sư, công nhân không chịu bó tay với bất cứ hoàn cảnh nào, tập
trung trí tuệ, phát huy tính sáng tạo, lòng tự trọng để sửa chữa,
khắc phục bằng được những khiếm khuyết, tồn tại của máy móc, thiết
bị. Trên tinh thần đó, không kể ngày hay đêm, anh em kỹ sư, công nhân kỹ
thuật, mặc dù còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm, nhưng họ đã tin tưởng
vào lãnh đạo và dồn tâm, dồn sức cho công việc. Kết quả, rất nhiều sáng
kiến cải tiến kỹ thuật được đưa ra và áp dụng và xử lý thành công.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ, khâm phục của chuyên gia Nga, Ucraina, các nhà
cung cấp thiết bị, bên lắp máy...đối với những cá nhân tài năng của
Nhà máy Thủy điện Ialy, thì những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của
cá nhân, tập thể đã mang lại lợi ích to lớn cho nhà nước, vừa tiết
kiệm được nhiều khoản tiền lớn, nhưng quan trọng hơn đã đưa nhà máy
đi vào hoạt động sớm, ổn định, đáp ứng nhu cầu năng lượng để phục
vụ phát triển đất nước trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn rất lớn
nguồn năng lượng. Những thành quả của họ đã được động viên, khen thưởng kịp
thời và xứng đáng, tạo động lực cho sự phát triển.
Để có được
sự sáng tạo, tinh thần lao động với trách nhiệm cao của đội ngũ công
nhân, cán bộ hiện nay, thì phải nói đến công tác đào tạo trước đó. Nhà máy
Thủy điện Ialy lúc bấy giờ là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam nhưng
lại đứng trên Tây Nguyên, một vùng đất còn lạc hậu và nghèo đói.. Một bài
toán khó đặt ra là tìm đâu ra người để quản lý, vận hành? Chúng tôi
trước đó đã phải lặn lội khắp các huyện, các xã kể cả những nơi
đi đến là rất khó để tìm chọn con em là học sinh phổ thông của các
gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số để động viên, hướng nghiệp.
Sau những ngày tháng lặn lội khắp các huyện Đăk Glei, Kon Plông (Kon
Tum)... Chưpăh, Chư Sê, Kbang, An Khê...(Gia Lai) thì tìm được 30 em để bồi
dưỡng, đào tạo khi các em còn đang học các trường phổ thông, nội
trú. Công tác hướng nghiệp cho các em lúc này rất quan trọng, sở dĩ
rất nhiều người vào thời điểm đó, kể cả cha, mẹ và các em... chưa bao
giờ sống xa làng bản, chưa được tiếp cận với những gì gọi là khoa học
kỹ thuật, nên để mọi người hiểu và chấp nhận yêu cầu của nhà máy
cũng là một việc làm cực kỳ khó khăn. Sau khi các em được sự giúp
đỡ, hỗ trợ cũng đã nỗ lực học tập xong chương trình phổ thông và
được Trường Trung cấp Kỹ thuật Điện ở Hội An (Quảng Nam) đào tạo
nghề cho từng vị trí. Sau khi đào tạo xong thì các em được bố trí
việc làm, có thu nhập ổn định và làm việc có hiệu quả. Đây cũng
là một trong những thành công của Nhà máy Thủy điện Ialy vì đã góp
phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với
đồng bào các dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo Công ty, Giáo viên trường KT Điện Hội An chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh Ialy khóa (1994- 1997) nhân kỷ niệm 20 năm ngày tốt nghiệp
Về công tác
đào tạo những cán bộ quản lý, những kỹ sư đảm nhận ở các vị trí
quan trọng, thiết yếu hơn, lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Ialy đã chủ
động quan hệ với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để có chương trình
đào tạo phù hợp. Đây là trường đào tạo có chất lượng, uy tín ở khu
vực. Bắt đầu vào năm học thứ 2 của sinh viên, chúng tôi đã có nhiều
buổi thuyết trình về công trình Nhà máy Thủy điện Ialy tại trường
đại học. Cũng từ đó có vài chục sinh viên đồng ý đăng ký học theo
yêu cầu của Nhà máy Thủy điện Ialy đưa ra. Nhà máy có chính sách
tài trợ cho sinh viên, bắt đầu năm học thứ 3 trở đi thì sinh viên được
nhận học bổng với mức 300.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, mỗi
học kỳ của sinh viên thì lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Ialy có những
khuyến khích, động viên khác, định hướng tiếp tục về công việc. Qua quá
trình phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, lãnh
đạo Nhà máy Thủy điện Ialy đã theo dõi, biết trình độ, năng lực của
từng sinh viên nên sau này nhận công tác tại Ialy được sắp xếp, bố
trí công việc một cách hợp lý. Chính vì những điều đó, cho đến
hiện nay, họ đều là những người phát huy rất tốt năng lực, trưởng
thành ở những vị trí lãnh đạo, chủ chốt nắm giữ các cương vị quan
trọng của Công ty Thủy điện Ialy. Nói như vậy, để thấy rằng, đào tạo
con người phải có chiến lược, phương pháp. Phải nói là Thủy điện Ialy là
doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thực hiện cơ chế đào tạo có địa chỉ, mà sau
này được áp dung rộng rãi.
Các "Học sinh" năm xưa nay đã là Lãnh đạo, những Trưởng ca giỏi, những người thợ giỏi của Ialy hôm nay
Bên cạnh
những vấn đề đào tạo phát triển về trình độ quản lý, kiến thức,
kỹ thuật, kỹ năng tay nghề thì giai đoạn đầu thành lập Nhà máy Thủy
điện Ialy, lãnh đạo nhà máy đã hết sức chú tâm đến việc xây dựng
kỷ cương lao động và phẩm chất cho mỗi cán bộ, công nhân viên của
mình. Hàng trăm nội qui, qui chế, qui trình chỉ dẫn kỹ thuật của Nhà
máy được xây dựng, ban hành và thực hiện. Việc thực hiện những văn
bản pháp qui của Nhà máy, pháp luật của Nhà nước đã trở thành
thói quen trong nếp sống, công việc của mỗi cá nhân, tập thể. Đây
cũng được xem là phép ứng xử phù hợp với thời đại văn minh./.
Pleiku, tháng 01/2020