Tin tức sự kiện

Chuyển đổi số phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng theo độ tin cậy (RCM)

Thứ hai, 30/5/2022 | 14:10 GMT+7
Với các nhà máy thủy điện thì hệ thống thiết bị công nghệ như một thực thể sống. Để thiết bị vận hành ổn định cần phải “chăm sóc sức khỏe”, theo dõi tình trạng để biết dấu hiệu “bệnh tật” và “điều trị”. Vì vậy, tất cả các hệ thống thiết bị đều có “sổ sức khỏe” lưu lại các kết quả qua những lần kiểm tra định kỳ thông số vận hành, siêu âm, hóa nghiệm, thí nghiệm hoặc ghi nhận tình trạng bất thường, khiếm khuyết, lịch sử hư hỏng.

Trước đây “sổ sức khỏe” được ghi trên bản giấy và sửa chữa các thiết bị thì được thực hiện theo chu kỳ. Vậy nên, việc phân tích tình trạng “sức khỏe” thiết bị để đưa ra quyết định các quyết định đúng đắn, phù hợp gặp nhiều khó khăn do phải tổng hợp thông tin từ bản giấy, chưa định lượng và đặc biệt là mỗi lần sửa chữa đều thực hiện cho 100% thiết bị hiện hữu.

Để giải quyết những hạn chế này, từ năm 2018 Công ty Thủy điện Ialy đã xây dựng phương án kỹ thuật và khối lượng sửa chữa lớn bằng phương pháp RCM lần đầu tiên cho tổ máy H1 Ialy để phục vụ sửa chữa năm 2019. Với phương pháp RCM, kết quả phân tích cho thấy tổ máy H1 Ialy chỉ cần bảo dưỡng các thiết bị được phân tích tình trạng cần bảo dưỡng chứ không bảo dưỡng đại trà như trước đây mà vẫn đảm bảo thiết bị vận hành an toàn, tin cậy.

Đây là phương pháp phân tích các dạng hư hỏng chức năng của thiết bị dựa trên dữ liệu vận hành, lịch sử hư hỏng và lịch sử bảo dưỡng của thiết bị để lựa chọn chiến lược bảo dưỡng và thời điểm bảo dưỡng trong tương lai để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn và tin cậy.

Nói cách khác, phương pháp RCM là một quá trình phân tích, đánh giá tình trạng hệ thống thiết bị để lập nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế đảm bảo cho hệ thống thiết bị đó vận hành đúng chức năng mà người vận hành mong muốn được mô tả trong bối cảnh vận hành (OC).

Cùng với việc xây dựng thử nghiệm sửa chữa lớn tổ máy H1 Ialy năm 2019 theo RCM, được EVN giao, Công ty đã nghiên cứu xây dựng thành công “Hướng dẫn thực hiện RCM cho các nhà máy thủy điện trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” và được Tập đoàn ban hành tại Quyết định số 907/QĐ-EVN ngày 09/7/2019.

Tuy nhiên, thời điểm ban hành Hướng dẫn thực hiện RCM thì việc phân tích RCM được thực hiện trên file exel nên còn mang tính thủ công và dễ sai sót do không có phần mềm để soát xét mà phải soát xét do con người thực hiện. Do đó cuối năm 2019, được sự phân công của EVN, Công ty đã phối hợp EVNICT xây dựng thành công module RCM trên phần mềm PMIS. Đây là bước thay đổi lớn về công cụ phục vụ số hóa quá trình phân tích RCM phục vụ xây dựng kế hoạch bảo dưỡng cho các thiết bị.

Việc thử nghiệm thành công phương pháp RCM và được áp dụng thực tế sửa chữa theo tình trạng thiết bị trên tổ máy H1 tại Nhà máy Thủy điện Ialy năm 2019, việc ban hành Hướng dẫn thực hiện RCM và hoàn thành xây dựng module RCM trên phần mềm PMIS là tiền đề quan trọng để từng bước số hóa phương pháp bảo dưỡng thiết bị theo phương pháp RCM.

Năm 2020, Công ty bắt đầu xây dựng kế hoạch SCL năm 2021 cho 04 tổ máy H1, H2 Ialy, H1 Sê San 3 và H1 Pleikrông trên module RCM phần mềm PMIS. Năm 2021, rà soát bản phân tích RCM tổ máy H1 Ialy phục vụ kế hoạch sửa chữa lớn năm 2022. Với việc hỗ trợ của module RCM trên phần mềm PMIS, các dữ liệu vận hành, sửa chữa, thí nghiệm của thiết bị đã được liên kết đến các dữ liệu hiện có trên PMIS giúp nhóm phân tích thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều so với thời điểm thực hiện phân tích RCM trên file exel cho tổ máy H1 Ialy năm 2019. Ngoài ra, module RCM trên PMIS đã thay con người kiểm soát trình tự và kỹ thuật phân tích nên đã tránh được các sai sót trong quá trình phân tích. Tuy nhiên, phần mềm cũng cần tiếp tục được hoàn thiện để có thể kết nối, tự động thu thập dữ liệu vận hành của thiết bị cũng như các tính năng hỗ trợ cao hơn cho con người (hướng đến AI) trong việc phân tích tình trạng và đề xuất ra quyết định bảo dưỡng.

Việc áp dụng công tác bảo dưỡng thiết bị theo phương pháp RCM không những góp phần nâng cao chất lượng trong công tác bảo dưỡng thiết bị tại Công ty Thủy điện Ialy mà còn góp phần trong công tác chuyển đổi số ở cơ sở./.

Tạ Văn Hà- Phân xưởng vận hành Ialy