"Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam"là chủ đề năm 2021 với mục tiêu đến năm 2022 Tập đoàn Điện lực Việt Nam cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số. Vậy thì chuyển đổi số là gì? Trước hết, chúng ta cần phân biệt các khái niệm sau:
a) Số hóa (Digitization): "Số hóa" là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng kỹ thuật số
Ví dụ: Một văn bản chép tay được scan và lưu trữ dưới dạng file PDF; Một bài hát từ băng cassette được lưu trữ dưới dạng 1 file kỹ thuật số mp3.
b) Ứng dụng số hóa (Digitalization): Ứng dụng số hóa là sử dụng các phần mềm máy tính cụ thể đáp ứng mộthoặc nhiều nhóm nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu suất công việc.Những công việc trước đây được làm thủ công như đếm, ghi chú, thống kê, tìm kiếm thông tin, tổng hợp báo cáo...v.v được giảm thiểu ở mức tối đa vì có sự trợ giúp của các phần mềm công nghệ thông tin.
Ví dụ: Người quản lý của Công ty sử dụng Excel để tổng hợp bảng chấm công từ nhiều bộ phận khác nhau trong Công ty. Kế toán viên có thể dùng phần mềm kế toán để tổng hợp chi phí hàng tháng/hàng năm...
c) Chuyển đổi số (Digital transformation): Chuyển đổi số là một quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn.Khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác
Hoặc có thể định nghĩa chuyển đổi số ngắn gọn dễ nhớ như sau: "Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới."
Ví dụ: Chúng ta hãy so sánh 2 quy trình gọi taxi truyền thống và gọi xe GRAB:
- Gọi taxi truyền thống: Khách hàng gọi Tổng đài => Tổng đài thông báo trên hệ thống => các lái xe nghe được và cùng chạy đến địa điểm được thông báo, ai đến trước thì được nhận khách (thậm chí còn dành khách lộn xộn nữa).
- Gọi xe GRAB: Khách hàng truy cập ứng dụng GRAB đặt xe =>hệ thống phần mềm sẽ xử lý yêu cầu của khách và thông báo ngay cho khách hàng biết: giá tiền, thông tin về xe và lái xe. Khách hàng có thể nhìn thấy quá trình xe đến đón rất trực quan trên ứng dụng GRAB (quy trình rất minh bạch và văn minh). Như vậy GRAB chính là dạng thức chuyển đổi số của việc gọi taxi truyền thống, nhưng mang đến nhiều trải nghiệm cho người dùng hơn và mang lại nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.
Có rất nhiều ví dụ khác về chuyển đổi số mà hầu như mọi người đã ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày như: mua hàng online, internet banking v.v...
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG EVN
Không đứng ngoài xu thế chung của thế giới, ngay từ những năm cuối thế kỷ 20, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để số hóa và ứng dụng số hóa trong công tác quản lý.
Những sản phẩm phần mềm quản lý lần lượt ra đời như phần mềm Quản lý vật tư, phần mềm Quản lý tài chính - kế toán (sau này tích hợp thành ERP) rồi eOffice, HRMS-KPI, Quản lý đầu tư, Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS) v.v...
Có rất nhiều quy trình trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực sự được chuyển đổi số. Một ví dụ cụ thể là ứng dụng CSKH do các điện lực cung cấp. Với ứng dụng này, khách hàng có thể kiểm tra điện năng tiêu thụ của mình bất cứ lúc nào, ngoài ra khách hàng có thể nhận được thông báo của đơn vị cấp điện, tra cứu lịch cắt điện và nhiều thông tin hữu ích khác.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI CÔNG TY THỦY ĐIỆN IALY
Là đơn vị phát điện hạch toán phụ thuộc EVN, Công ty Thủy điện Ialy cũng đã từng bước thực hiện chuyển đổi số theo tiến trình chuyển đổi số chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công ty Thủy điện Ialy cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tín nhiệm thực hiện việc số hóa quy trình Bảo trì tập trung vào độ tin cậy (RCM), tích hợp vào phần mềm PMIS và đưa vào áp dụng trong toàn Tập đoàn từ năm 2020. Hiện nay cơ sở hạ tầng về viễn thông và công nghệ thông tin của Công ty khá đầy đủ, có thể đáp ứng nhu cầu tin học hóa các quy trình nghiệp vụ trong Công ty.
Mặc dù vậy, qua rà soát có thể kể ra một số nghiệp vụ chưa được tin học hóa tại Công ty như: Công tác nghiệm thu SCL tự thực hiện, công tác xử lý khiếm khuyết thiết bị, Công tác cấp phiếu/lệnh công tác, Việc cập nhật số liệu thủy văn, số liệu vận hành các tổ máy vào phần mềm PMIS...Các nghiệp vụ này vẫn còn nhiều thao tác thủ công, việc luân chuyển chứng từ, dữ liệu vẫn chưa được thực hiện trên môi trường số. Đó là chưa kể những nghiệp vụ "đơn giản" vẫn đang thực hiện bằng tay như là sắp lịch đi ca, phân công nhân viên phục vụ ...
Với những yêu cầu về chuyển đổi số, trong năm 2021 Công ty đã xây dựng kế hoạch và những giải pháp hết sức cụ thể để tiến hành việc chuyển đổi số tại Công ty nhằm hoàn thành nhiệm vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.
Thay lời kết
Chuyển đổi số doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Chuyển đổi số thành công chính là mục tiêu chung của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Vậy thì với mỗi CBCNV đang làm việc tại Công ty Thủy điện Ialy, chúng ta cần làm gì?
Thật ra rất đơn giản, chỉ cần mỗi vị trí công tác "lười" đi một chút, tìm cách đơn giản hóa công việc hàng ngày, tận dụng môi trường số để đề xuất những cải tiến hoặc số hóa quy trình. Như vậy là chúng ta đã thực sự chung tay chuyển đổi số cùng với Công ty rồi!
Phúc Hiệp-Tổng hợp đưa tin