Tại TP. Pleiku cũng vậy, những chợ hoa xuân đã hội tụ nhiều loài hoa khoe sắc: hoa đào từ Hà Nội chuyển vào, hoa mai từ Bình Định, Phú Yên chuyển lên, hoa lan, hồng, cúc và nhiều loại khác từ các nhà vườn của TP. Pleiku tấp nập chuyển ra chợ, ra phố. Người dân cũng bắt đầu đi chọn lựa những chậu hoa đẹp, những loại hoa ưng ý nhất để mua. Không khí đón Tết, đón Xuân vì thế đã, đang lan tỏa đến từng con đường, góc phố, từng gia đình…
Trung tâm điều khiển nhà máy
Trong khoảnh khắc ấy, tôi đề xuất với Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy, ông Đoàn Tiến Cường để được vào Nhà máy thủy điện Sê San 3. Đón tôi là Quản đốc Phân xưởng vận hành, ông Đặng Đức Phố. Cũng thấy vẻ khác thường, trong lúc mọi người TP. Pleiku chuẩn bị đón Tết thì tôi lại muốn vào nơi mà ít ai muốn tới, nhất là trong lúc này, nên ông Đặng Đức Phố đã phỏng vấn ngược: Vì sao anh lại muốn vào Sê San 3 lúc này? Thực ra, cũng không ít lần tôi đã đến Nhà máy thủy điện Sê San 3 và cũng không ít lần được ăn Tết cùng anh em vận hành của nhà máy trong đó. Nhưng những lần trước cũng như lần này, vẫn muốn chia sẻ điều gì đó với những kỹ sư, anh em vận hành và cả những người lao động phổ thông của Nhà máy thủy điện Sê San 3 trong những ngày Tết và Xuân đã cận kề khắp nẻo, chỉ trừ Sê San 3.
Thực ra, không phải anh em vận hành của 2 Nhà máy Plei Krông, Ialy không có những thiệt thòi, sự chịu đựng gian khó, thậm chí là ở Nhà máy thủy điện Ialy có những vị trí trực vận hành âm sâu dưới lòng đất, sóng điện thoại di động không có vì thế không thể gửi, chia sẻ với gia đình chút tình cảm lúc giáp Tết, nhất là thời điểm giao thừa. Nhưng dù gì ở Sê San 3 lại thêm khoảng cách xa nhất, khó đi nhất nếu muốn đến, kể cả xa với khu vực dân cư, xa môi trường xã hội và ở đây gần như mùa Xuân vẫn chưa đến…
Để đi từ thành TP. Pleiku vào Nhà máy thủy điện Sê San 3 phải mất khoảng gần 4 giờ đồng hồ với quãng đường 65km, không xa lắm nhưng sự khác biệt thì rất rõ ràng. Ba mươi cây số đầu, trong đó có khoảng 20km là từ Pleiku theo quốc lộ 14 đến thị trấn Phú Hòa (huyện ChưPăh) rồi rẽ trái 15km theo tỉnh lộ 673 rồi rẽ trái 30km đường đèo nữa là đến nhà máy.
Qua 2 cung đường đầu thì rất dễ nhận thấy người dân hai bên đường cũng đã chuẩn bị đón Tết, hoa đã được mua về trưng trước cửa nhà, ngoài sân, ngoài cổng. Các quầy hàng phục vụ Tết cũng đầy ắp hàng hóa… nhưng khi rẽ từ tỉnh lộ 673 vào nhà máy thì xuất hiện một không gian rộng lớn của núi rừng với sự im ắng vốn có của nó. Cũng là một điều, có khi nhiều người chưa biết đến, đó là Nhà máy thủy điện Sê San 3 tọa lạc trên địa phận của xã Ia Tăng của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nhưng khi đi vào nhà máy lại qua tỉnh lộ 673, qua xã Ia Kreng hoàn toàn thuộc huyện ChưPăh, tỉnh Gia Lai.
Nhà máy thủy điện Sê San 3 nằm lọt thỏm giữa 2 dãy núi lớn, có con đập ngăn nước, mà từ chuyên môn gọi là tuyến năng lượng vắt ngang dòng Sê San, cách Nhà máy thủy điện Ialy khoảng 30km, theo đường chim bay về phía hạ lưu. Nhà máy không có hồ chứa nước như nhiều nhà máy thủy điện khác mà chỉ là hồ điều hòa trong ngày. Do đó để có nước vận hành nhà máy thì phụ thuộc vào sự điều tiết nước của hai hồ lớn: Plei Krông, Ialy mà chủ yếu là từ hồ Ialy trực tiếp xả xuống. Ông Đặng Đức Phố thông báo, nhờ mùa mưa năm 2021 thuận lợi đối với thủy điện nên năm qua, nhà máy đạt sản lượng 1 tỷ 230 triệu kWh điện, đạt 102,6% sản lượng điện kế hoạch.
Nhà máy thủy điện Sê San 3
Năm 2022, Nhà máy thủy điện Sê San 3 cũng đã xây dựng kế hoạch sản xuất 1 tỷ 198 triệu kWh điện sản lượng. Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, cũng là những ngày đầu năm mới, sản lượng điện đầu năm đã có những tín hiệu vui, đạt gần 60 triệu kWh điện, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái mới chỉ đạt 39 triệu kWh điện với việc vận hành 2 tổ máy có tổng công suất 260 MW.
Ông Đặng Đức Phố cho rằng, con số này không thực sự có ý nghĩa mà phải là sản lượng cuối năm đạt được. Tuy nhiên dẫu sao đây cũng là tín hiệu vui khi đầu năm nguồn nước khá dồi dào so với năm ngoái và đương nhiên Trung tâm điều độ Quốc gia đã quyết định huy động chạy máy cho Sê San 3.
Áp lực hiện nay đối với những kỹ sư, công nhân vận hành của nhà máy được cho là tăng lên so với trước đây trong việc quản lý kỹ thuật. Nếu như trước đây việc sửa chữa máy móc, thiết bị do Công ty Thủy điện Ialy đảm nhận thì lực lượng vận hành của Nhà máy thủy điện Sê San 3 chỉ lo đảm bảo việc vận hành an toàn, hiệu quả, còn việc sửa chữa không cần lo. Nay việc sửa chữa đã được tách ra, do đó ngoài nhiệm vụ vận hành thì phải thêm công tác quản lý kỹ thuật, theo dõi, giám sát thiết bị, đánh giá tình trạng làm việc, lập phương án kỹ thuật, nâng cấp thay thế thiết bị, đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ tin cậy của thiết bị. Bên cạnh đó lực lượng vận hành nhà máy phải giám sát chất lượng, tiến độ công tác sửa chữa thiết bị, nghiệm thu đưa thiết bị vào vận hành.
Trở lại với việc anh em kỹ sư, công nhân kỹ thuật và người lao động phổ thông của Nhà máy thủy điện Sê San 3 chuẩn bị đón Tết, Trưởng ca vận hành Trương Quang Vinh, người đã từng vận hành tại nhà máy 17 năm qua thì năm nay toàn bộ anh em hơn 20 người không ai nghỉ Tết, mà trực vận hành toàn bộ. Trước lúc giao thừa, anh em vận hành nhà máy được lãnh đạo công ty đến chúc Tết, tặng quà, động viên tinh thần anh em. Rồi sau đó mọi người, ai vào vị trí ấy như công việc của mọi ngày. Cái khác nhất là thường vào thời điểm giao thừa thì công suất của nhà máy sẽ đạt đỉnh để đáp ứng phụ tải tăng cao…
Bài và ảnh: Hoàng Anh Phượng