Có lẽ, nên nói về Công
ty thủy điện IaLy như vậy bởi đây là lần thứ 3, liên tiếp trong 2 năm, những kỹ
sư, công nhân kỹ thuật của IaLy đã ra sức "cứu sống" nhiều tổ máy, kể cả nhiệt
điện và thủy điện cho các đơn vị bạn bằng cách làm riêng của mình, được đồng
nghiệp trong nước nể phục.
CôngThương - Ngày 5/1/2014, tổ máy số 2 và là tổ máy cuối cùng của nhà máy
thủy điện An Khê-Ka Nak đã được phát điện lên lưới an toàn sau sự cố nghiêm
trọng với sự nỗ lực cao độ, sức sáng tạo, quyết đoán của những khối óc, cách
làm từng trải của những kỹ sư, công nhân kỹ thuật IaLy.
Như đã thông tin trên Công thương điện tử, sự cố
nghiêm trọng xảy ra vào ngày 15/11/2013, một trận mưa lũ lịch sử do cơn bão số
15 gây ra, với hàng chục ngàn mét khối nước, cát, đất đá từ trên núi trút
xuống, tràn ngập hoàn toàn Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak, làm nhà máy này tê
liệt không thể hoạt động. Trước tình hình đó EVN đã thành lập ban chỉ đạo khắc
phục sự cố nhà máy thuỷ điện An Khê-Ka Nak, huy động 7 đơn vị trong Tập đoàn
với 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đến giúp đỡ, khôi phục lại nhà máy
thuỷ điện này, trong đó có 35 kỹ sư, công nhân kỹ thuật của thuỷ điện IaLy.
Công ty thủy điện IaLy được EVN giao nhiệm vụ khôi phục 2 tổ máy, mỗi tổ có
công suất 80 MW (một bộ phận được xem là "trái tim của nhà máy").
Ngay sau khi sự cố Nhà máy thủy điện An Khê-Ka
Nak xảy ra, thay mặt EVN, ông Nguyễn Tài Anh- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, trưởng
ban chỉ đạo khắc phục sự cố- đã mệnh lệnh cho các đơn vị phải nỗ lực hết sức để
trước Tết Nguyên đán 2014 phải đưa nhà máy thuỷ điện An Khê-Ka Nak vào hoạt
động, phát điện trở lại. Đây là mệnh lệnh, thực chất là lên "dây cót" tinh thần
cho các đơn vị và cá nhân cùng tập trung cao độ trong công việc được xem là hết
sức khó khăn, bởi đó là sự cố nên không ai có thể đoán định được tình hình.
Cũng phải nói ngay rằng, khó khăn, phức tạp nhất
trong việc khắc phục sự cố trên đây là nằm ở 2 tổ máy. Bởi vì vẫn biết rằng, để
phát điện lại được cho một nhà máy bị sự cố vùi lấp hoàn toàn do nước, đất, đá
như vậy thì liên quan đến rất nhiều bộ phận, thiết bị khác, nhưng công việc
rửa, sấy... thậm chí phải thay thế cũng sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với tổ máy
bởi lý do nó có thể tháo, lắp dễ dàng. Đối với 2 tổ máy của bất cứ nhà máy thuỷ
điện nào hay với An Khê-Ka Nak cũng vậy, khi bị sự cố, việc đầu tiên và giải
pháp thông thường là phải rút Rôto ra để kiểm tra, xử lý. Ông Tạ Văn Luận, Giám
đốc Công ty Thuỷ điện IaLy, thành viên trong ban chỉ đạo của EVN khắc phục sự
cố nhà máy thuỷ điện An Khê-Ka Nak cũng cho biết rằng, có ý kiến nhất quyết
phải rút Roto của cả hai tổ máy mới có thể thực hiện việc làm các bước khôi
phục lại sự hoạt động bình thường của tổ máy trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên ý
kiến của IaLy là trái ngược, không cần phải rút Rôto ra khỏi tổ máy vì làm như
thế tốn rất nhiều thời gian (không dưới 2 tháng cho một tổ máy), công sức, tiền
bạc...
Với cách làm rất riêng của mình, từ kinh nghiệm
từng trải, sự sáng tạo, những kỹ sư, công nhân kỹ thuật của IaLy đã tự chịu
trách nhiệm trước công việc quan trọng này, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Đương nhiên trong quyết định không rút Roto ra khỏi tổ máy là một không gian
chật hẹp để thực hiện công tác vệ sinh, sấy rửa toàn bộ tổ máy mà phần khoảng
cách giữa các cực từ của Roto và Stato chỉ vài chục cen-ti-met. Thực tế như vậy
thì IaLy đã sáng tạo, dùng nhiều máy bơm, vòi phun, áp lực khác nhau để rửa
sạch và vệ sinh được đến từng ngóc ngách của tổ máy.
Đến giai đoạn sấy để đạt khả năng phục hồi cách
điện của tổ máy để đảm bảo yêu cầu an toàn khi vận hành cũng là một cách làm
rất khác biệt nữa mà IaLy áp dụng, đó là dùng máy hàn...để sấy những cuộn dây cảm
ứng. Cũng có những ý kiến quan ngại cho rằng, làm cách này thì các cuộn dây cảm
ứng sẽ bị cháy. Song IaLy đã làm có hiệu quả, an toàn...và ngày 31/12/2013 tổ máy
số 1 nhà máy thuỷ điện An Khê-Ka Nak đã chính thức được phát điện lên lưới quốc
gia với công suất đạt 100%, đến nay đã được trên 15 triệu KWh điện. Đến ngày
5/1/2014, tổ máy số 2 tiếp tục được đưa vào vận hành, phát điện và các chỉ số
kỹ thuật cũng rất ổn định, tương tự như tổ máy số 1.
Việc đưa 2 tổ máy của Nhà máy thủy điện An
Khê-Ka Nak vào phát điện trước dự kiến ban đầu một cách an toàn với cách làm
của IaLy đã một lần nữa nhận được sự động viên, khen ngợi của EVN và sự khâm
phục của các đồng nghiệp. Còn nhớ vào đầu tháng 9/2012, thủy điện IaLy đã giúp
nhiệt điện Uông Bí khôi phục tổ máy số 7, đưa vào phát điện thành công mà tưởng
chừng nó đã phải...bỏ đi. Đến tháng 9/2013, IaLy lại giúp thủy điện Quảng Trị
khôi phục tổ máy số 2 đã "chết lâm sàng". Và nay IaLy lại đóng vai trò quan
trọng khôi phục 2 tổ máy của nhà máy thuỷ điện An Khê-Ka Nak trong hoàn cảnh
hết sức ngặt nghèo. Vì vậy có thể nói IaLy là một hiện tượng, có lẽ không quá!
Hoàng Anh Phượng - Báo Công thương