Đ/c Hà Ban, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum
Trong nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế
của tỉnh Kon Tum luôn được duy trì ở mức khá cao với hai con số; thu nhập bình
quân đầu người không ngừng tăng lên. Nếu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người
của tỉnh Kon Tum là 11,45 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2013 đã tăng lên 25,75
triệu đồng/người/năm. Cùng với tăng trưởng kinh tế cao, mức hưởng thụ về đời
sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên, trật tự xã hội, an
ninh quốc phòng được tăng cường và giữ vững. Tuy nhiên, hiện Kon Tum vẫn còn là
một tỉnh nghèo, cần nhiều nguồn lực để phát triển.
Đồng chí Hà Ban- UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum
Sơ bộ về những tác động đến
đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân kể từ khi xây dựng công trình Thủy điện Ialy, công trình thủy điện đầu
tiên trên hệ thống sông Sê San. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư phát
triển khá hoàn chỉnh, từ các tuyến đường giao thông, khu vực tái định canh, định cư cho người dân, đến hệ thống điện, trường học, trạm xá...được đầu tư xây
dựng bài bản, góp phần cải thiện và nâng cao dân sinh. Trong quá trình triển khai
thi công công trình, cùng với các dự án khác trên địa bàn, nhiều tuyến đường giao
thông trên địa bàn huyện Sa Thầy và thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) xuống đến các xã, thôn, làng được trải nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc đi lại, giao lưu văn hóa, lưu thông hàng hóa của nhân dân. Góp phần cải thiện đời sống mọi mặt
cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng dự án, nơi mà trước đây giao thông
đi lại còn nhiều khó khăn. Được biết, khi xây dựng công trình
thủy điện Ialy có 1.758 hộ với 8.475 nhân khẩu, trong đó phần lớn là đồng
bào các dân tộc của huyện Sa Thầy và thị xã Kon Tum trước đây (nay là thành phố Kon Tum) phải tổ chức tái định canh, định cư. Lúc này, quĩ đất của Kon Tum còn
nhiều nên việc tái định cư, định canh, bố trí đất sản xuất cho nhân dân được làm rất tốt (ngoài việc bố trí đất ở và
đất vườn khoảng 1.000 m2/hộ; mỗi hộ còn được bố trí khoảng 1 ha đất sản xuất). Do đó, cùng với việc hỗ trợ lương
thực ban đầu cho người dân, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất như trên đã giúp cho đời sống nhân dân tái định cư nhanh
chóng ổn định và dần được cải thiện.
Diện mạo thành phố Kon Tum đang thay đổi từng ngày
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng được áp dụng
vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số sản phẩm
đã trở thành hàng hóa; thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần nhờ đó cũng được
nâng lên, có điều kiện hơn trong việc chăm lo cho con cái học hành tốt, chăm sóc sức khỏe và nâng
cao dân trí... Khi xây dựng công trình thủy điện Pleikrông, tỉnh Kon Tum cũng có số hộ
và số nhân khẩu phải tái định canh, định cư rất lớn, lên đến 1.196 hộ với 5.851
khẩu ở 4 huyện, thành phố là Kon Tum, Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho nhân dân
gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế hơn trước. Song nhìn chung với sự nỗ lực
của chủ đầu tư và sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay về điều kiện sinh
sống,
sản xuất của nhân dân cơ bản ổn định và từng bước phát triểtn. Có thể nói, với sự quan tâm của Trung
ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng các công trình thủy
điện trên hệ thống sông Sê San thì việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho
tỉnh Kon Tum ngày càng được quan tâm, nhiều tuyến giao thông được
mở mới, nâng cấp; hệ thống lưới điện được kéo đến tận thôn, làng, hộ gia đình (toàn tỉnh Kon Tum hiện chỉ
còn trên 20 thôn, làng chưa có điện lưới quốc gia); trường học, trạm xá được xây dựng khang
trang...góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, trong đó có nhiều thôn, làng trước đây thuộc diện
đặc biệt khó khăn, nay đã hoàn toàn được thay đổi, nghèo đói, lạc hậu dần lùi xa, nhường cho cuộc sống ấm no, tiến bộ.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của
Trung ương về việc điều tiết nguồn thu các khoản thuế từ các nhà máy thủy điện
về cho các địa phương và việc cho phép thu phí dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Kon Tum có điều kiện
thuận lợi hơn trong việc cân đối nguồn tài chính, phục vụ cho việc đầu tư
phát triển kinh tế - xã hội. Với 3 công trình, Thủy điện Ialy, Pleikrông, Sê San 3 được giao nhiệm vụ
quản lý, trong những năm gần đây, Công ty Thủy điện Ialy đã
nộp đầy đủ các khoản thuế, phí với mức tương đối lớn ở tỉnh Kon Tum. Bắt đầu từ năm 2011, Công ty nộp phí Dịch vụ môi
trường rừng (20 đồng/1kWh điện), suất thuế tăng dần từ năm 2011, 2012, 2013 và 2014. Năm 2011 đóng
góp vào ngân sách tỉnh Kon Tum các khoản thuế
VAT, tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường rừng hơn 400 tỷ đồng. Năm
2012 là 436 tỷ đồng, năm 2013 hơn 372 tỷ đồng. Năm
2014,
sản lượng điện hơn 5,7 tỷ kWh Công ty sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh Kon Tum hơn 604 tỷ đồng
(gồm
thuế tài nguyên nước, VAT và phí dịch vụ môi trường rừng). Như vậy, các khoản thuế, phí mà Công ty Thủy điện
Ialy nộp về ngân sách tỉnh Kon Tum hằng năm tương khoảng 25% so với tổng thu ngân sách
trên địa bàn. Điều đáng nói, đây là nguồn thu lớn, ổn định và mang tính bền vững đối với tỉnh Kon Tum. Nhất là việc Chính
phủ cho phép địa phương thu nguồn phí dịch vụ môi trường rừng từ các công trình
thủy điện, các dự án có hưởng lợi từ rừng đã tạo cho địa phương có một nguồn thu
tương đối lớn và ổn định để tái tạo lại diện tích rừng, góp phần tăng độ che phủ
của rừng, bảo vệ các nguồn tài nguyên khác. Đồng thời, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào
các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...
Những đóng góp của Công
trình Thủy điện Ialy nói riêng và các công trình do Công ty Thủy điện Ialy quản
lý nói chung đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum
những năm qua là quan trọng và rất đáng ghi nhận. Những đóng góp đó đã góp phần
giúp một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Kon Tum có điều kiện phát triển kinh
tế - xã
hội bền vững hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nói trên, thì cũng còn một số hạn chế, thiếu sót trong quá trình
triển khai, tổ chức thực hiện, nhất là trong việc phối hợp khắc phục một số tồn tại, hạn chế của công tác tái
định canh, định cư. Xử lý một số vấn đề phát sinh trong quá trình thiết kế, thi công, vận hành, khai thác các công trình, cũng như một số vấn đề có
liên quan đến việc thực hiện chủ trương tiến bộ và công bằng xã hội trong từng
dự án.
Thời gian tới, cùng với việc tăng cường
phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc giải
quyết các hạn chế, thiếu sót trên, thì việc phối hợp triển khai các chương trình dự án cụ thể nhằm khai
thác có hiệu quả cảnh quan, diện tích mặt nước các lòng hồ công trình thủy điện là rất cần thiết.
Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch sinh thái, phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, tạo ra công ăn việc làm và
tăng nguồn thu cho người dân, cho ngân sách. Tiếp tục quan tâm điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã
hội,
sắp xếp dân cư xung quanh các lòng hồ công trình thủy điện. Trên cơ sở đó có sự
đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi một cách phù hợp
và đồng bộ, góp phần xây dựng và phát triển các xã, thị trấn trong khu vực này
sớm đạt chuẩn nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia.
Công trình thủy điện Ialy
nói riêng và các công trình do Công ty Thủy điện Ialy quản lý nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục góp
phần cùng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Qua đó cũng cho thấy, sự phối hợp có hiệu quả
giữa các tập đoàn kinh tế với cấp ủy, chính quyền địa phương
trong việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia là rất cần
thiết,
đảm bảo vừa phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, vừa góp phần cải thiện và
nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc của địa phương./.
11.2014