Tạ Văn Luận – Giám đốc Công ty
Công ty Thủy điện
Ialy (tiền thân là Nhà máy thủy điện
Ialy) được thành lập vào ngày 28/02/2000
theo Quyết định số 10/2000/QĐ-BCN.
Căn cứ Quyết định số 148/2006/QĐ-TTg
ngày 22/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ,
Nhà máy Thủy điện Ialy đổi tên thành Công ty Thủy điện Ialy. Ngày 24/7/2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Quyết định
số 501/QĐ-EVN về việc chuyển giao Ban quản lý dự án Thủy điện 4 về
Công ty Thủy điện Ialy. Như vậy, vào
thời điểm này Công ty thực hiện việc quản lý điều hành một doanh nghiệp và một
Ban quản lý dự án.
Bộ máy tổ chức
của Công ty gồm Giám đốc và 4 phó giám đốc,
12 đơn vị phòng nghiệp vụ và phân xưởng sản xuất trực thuộc quản lý vận hành 3
nhà máy thủy điện là Ialy công suất 720 MW,
Sê San 3 công suất 260 MW, Pleikrông
100 MW và 1 đơn vị phụ trách công tác quyết toán các công trình thủy điện Sê
San 3, Sê San 4 và Pleikrông. Tổng
số CNVC-LĐ Doanh nghiệp đến ngày 01/01/2015
là 489 người, trong đó: thạc sĩ:
9, đại học: 155, cao đẳng: 27,
trung cấp: 178, công nhân:
56, lao động phổ thông: 64.
Mặc dù phải đảm
nhận thêm nhiệm vụ, nhưng Công ty
vẫn tỏ rõ bản lĩnh vốn có của mình:
bất cứ trong hoàn cảnh nào, khó khăn,
thách thức càng lớn thì sự nỗ lực,
cố gắng vượt qua cũng vì thế càng rõ ràng,
tạo ra những dấu ấn không thể quên trong hành trình 15 năm qua của một doanh
nghiệp! Công ty Thủy điện Ialy đứng
chân trên địa bàn 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum,
thuộc diện vùng sâu, vùng xa. Tình
hình an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về chính trị. Điều này gây ảnh hưởng
nhất định đến sản xuất và đời sống CNVC-LĐ
doanh nghiệp.
Bộ trưởng Vũ
Huy Hoàng thăm và làm việc tại Công ty
Những biến đổi bất
thường về thời tiết, khí hậu cùng
với tình trạng rừng đầu nguồn bị tàn phá dẫn đến thủy văn diễn biến theo hướng
bất lợi. Biểu hiện cụ thể là lưu lượng nước về hồ thay đổi bất thường, sai quy luật, gây ảnh hưởng lớn đến quản lý vận hành và điều tiết hàng
năm của Công ty.
Hệ
thống thiết bị kém đồng bộ dẫn đến chất lượng và độ tin cậy làm việc không cao
nên đòi hỏi CBCNV phải tốn nhiều thời gian,
công sức để khắc phục.
Nhưng được sự quan
tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt những năm gần đây Tập đoàn Điện
lực Việt Nam phân cấp mạnh cho các đơn vị thành viên nên đã nâng cao tính chủ động
cho Công ty trong tổ chức sản xuất. Đồng thời,
lãnh đạo Công ty ngày càng thêm kinh nghiệm trong công tác quản lý, trình độ,
tay nghề của đội ngũ CNVC-LĐ ngày
càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát
triển của doanh nghiệp.
Khắc phục sự cố
tại Thủy điện An Khê
Trong quá trình tổ chức sản
xuất điện, Công ty Thủy điện Ialy
gặp phải không ít khó khăn, thách
thức, tập trung chủ yếu chính là
những bất lợi về tình hình thủy văn và các hư hỏng, khiếm khuyết thiết bị. Nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm, CBCNV Công ty ngoài việc xử lý có hiệu quả, đưa thiết bị vào vận hành an toàn, đã chủ động điều tiết nguồn nước, khai thác tối ưu công suất của hệ thống
công nghệ và đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. Đặc biệt, trên phương diện sản xuất, cung ứng điện năng, Công ty luôn hoàn thành vượt mức kế
hoạch EVN giao, lấy ví dụ mấy năm
gần đây: Năm 2011, sản lượng đạt 5.695 triệu kWh (đạt 148,7% kế hoạch);
năm 2012, sản lượng đạt 5.838 triệu
kWh (đạt 141% kế hoạch); năm
2013, sản lượng đạt 4.708 triệu kWh (đạt 109%
kế hoạch). Năm 2014, sản lượng đạt trên 5.7 tỷ kWh điện. Và
vào thời điểm này cả 3 nhà máy thủy điện:
Ialy, Sê San 3, Pleikrông đã chính thức sản xuất và hòa
lưới quốc gia được trên 61 tỷ kWh,
trong 15 năm qua, cung cấp nguồn điện
đáng kể cho phát triển kinh tế và các nhu cầu xã hội của đất nước.
Công ty hoàn thành việc tiếp
nhận vận hành 4 tổ máy của Thủy điện Ialy từ năm 2000 và 2 tổ máy Thủy điện Sê
San 3 từ năm 2006. Đến tháng 9/2009, 2 tổ máy của Thủy điện Pleikrông chính
thức đưa vào vận hành. Trong quá trình tiếp nhận vận hành, các tổ máy vẫn tồn tại một số khiếm
khuyết như: xâm thực bánh xe công
tác, hư hỏng của hệ thống điều khiển, hệ thống kích từ, hệ thống điều tốc... Vì thế,
đội ngũ kỹ sư, công nhân Công ty đã
vừa quản lý vận hành, vừa phải từng
bước khắc phục các khiếm khuyết. Đến nay,
tất cả các khiếm khuyết đã được xử lý,
các tổ máy đã làm việc ổn định. Cụ thể hơn,
tháng 11/2007 xảy ra sự cố cháy
thanh cầu nối của 2 thanh dẫn stator máy phát tổ máy số 1 Thủy điện Sê San 3, nguyên nhân do chất lượng mối hàn thanh
dẫn của nhà máy chế tạo không đảm bảo. Tiếp đến ngày 11/11/2007 tổ máy số
2 thủy điện Sê San 3 khi đang phát công suất 130MW thì bị sự cố hư hỏng toàn bộ
192 cầu nối mềm của vòng ngắn mạch phía trên,
phía dưới rotor máy phát. Để thay thế toàn bộ số cầu nối mềm này, thông thường phải đặt mua từ nước ngoài
với chi phí khoảng 19.200 USD và phải chờ một thời gian. Để đảm bảo cung cấp
sản lượng cho toàn hệ thống, tận
dụng nguồn nước trong mùa mưa lũ,
cùng với năng lực, kinh nghiệm và
trách nhiệm của mình, lãnh đạo và
CBCNV Công ty đã quyết tâm xử lý với sự tập trung cao về nhân lực và chất xám. Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm",
Công ty đã nghiên cứu thiết kế, gia
công 192 thanh nối mềm với chi phí chỉ 66 triệu đồng, tiết kiệm hơn 200 triệu dồng. Đồng thời, mang lại
hiệu quả kinh tế cao do máy được đưa vào vận hành sớm.
Từ năm 2009
đến 2013,
Công ty Thủy điện Ialy đã thực hiện tổng cộng gần 200 hạng mục sửa chữa lớn, đặc biệt đã tiến hành 8 lần đại tu các
tổ máy của 3 nhà máy Ialy, Sê San 3
và Pleikrông. Các tổ máy được đại tu đều đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bên cạnh việc hoàn thành công
tác SCL đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ,
đội ngũ công nhân, kỹ sư đã luôn đề
cao ý thức tiết kiệm trong sửa chữa. Công nhân PX sửa chữa Cơ khí - Thủy lực đã tìm cách phục hồi hoặc
nghiên cứu thay thế vật liệu sẵn có trong nước như: Phục hồi bạc cánh hướng,
thay thế tấm bạc chặn vành điều khiển cánh hướng bằng loại phíp,... vừa đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm được chi phí so với việc
phải nhập thiết bị chính hãng.
Song song với
việc quản lý vận hành, tập thể CBCNV
Công ty Thủy điện Ialy còn phải thực hiện công tác xử lý các tồn tại công trình
Nhà máy Thủy điện Pleikrông sau khi tiếp nhận bàn giao từ Ban QLDA Thủy điện 4.
Trước khi bàn giao, tại Thủy điện
Pleikrông có 204 tồn tại ở các hạng mục công trình gồm: tuyến đầu mối,
thiết bị các tổ máy, hệ thống báo, chữa cháy,
thiết bị điều khiển, thiết bị bảo vệ, thiết bị thông tin và những tồn tại về
phần xây dựng vv... Toàn bộ tồn tại trên một phần sẽ do nhà thầu xử lý, phần còn lại sẽ chuyển cho Công ty Thủy
điện Ialy tiếp tục xử lý đảm bảo cho Nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả.
Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng nên ngay sau khi tiếp nhận vận hành, Lãnh đạo Công ty đã đôn đốc xử lý các
tồn tại phát sinh trong quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị. Từ đầu năm 2011, Lãnh đạo công ty đã đưa vào nhiệm vụ
hàng tuần để chỉ đạo, đôn đốc các đơn
vị chức năng thực hiện. Vì vậy đến nay,
về cơ bản, các tồn tại đã được khắc
phục, đảm bảo cho các tổ máy Thủy điện
Pleikrông vận hành ổn định.
Giám đốc Công ty trao chứng nhận tại Hội thi thợ giỏi
Sở hữu nguồn
nhân lực có trình độ, cùng với kinh nghiệm trong quá trình sửa
chữa, xử lý sự cố nên ngay khi được
Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ sửa chữa,
bảo dưỡng, đại tu các thiết bị, dây chuyền sản xuất điện cho các nhà máy
thủy điện. Công ty đã tiến hành việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công nhân làm công tác sửa chữa theo
hướng chuyên môn hóa cao. Đồng thời,
mở rộng việc quảng bá năng lực, tìm
kiếm thị trường nhằm khai thác tối ưu các thế mạnh hiện có. Nhờ vậy, đã thực hiện tốt dịch vụ này, được các đối tác đánh giá cao về năng
lực, uy tín, chất lượng và hiệu quả công việc.
Từ
năm 2009 đến nay, Công ty đã cử
nhiều đoàn công tác đến tham gia sửa chữa,
thí nghiệm các nhà máy điện trên khắp cả nước như:
Sửa chữa 02 tổ máy cho Thủy điện Sêsan 3A;
thí nghiệm Thủy điện Ayun Thượng 1A,
thí nghiệm mẫu dầu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất,
Công ty mía đường Hoàng Anh -
Attapeu; Xử lý sự cố máy biến áp cho
Thủy điện H\'Mun... Một số điểm nổi bật trong lĩnh vực tổ chức dịch vụ thí nghiệm, sửa chữa có thể kể đến như: xử lý thành công hư hỏng hệ thống kích
từ tổ máy S7 Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí;
hệ thống điều tốc tổ máy số 2 Nhà máy Thủy điện Quảng Trị và tuabin, máy phát của Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak,
có thể khái quát những kết quả như sau:
Tháng
8/2012,
hệ thống kích từ tổ máy S7 công suất 300MW Nhiệt điện Uông Bí bị hư hỏng kênh 1
(kênh 2 đã bị hư hỏng ngay từ khi
mới đưa vào vận hành), tổ máy phải
ngừng hoạt động. Nhiều nhóm chuyên gia đã được mời đến nhưng đều không thành
công. Nhà máy phải tốn nhiều tỷ đồng chi phí dầu đốt (FO) phục vụ cho
việc chạy thử sau khắc phục nhưng hệ thống vẫn không hoạt động. Nhận được đề
nghị từ Nhiệt điện Uông Bí,
Công ty Thủy điện Ialy đã cử nhóm công tác đến xử lý sự cố này. Việc quay tổ
máy Nhiệt điện Uông Bí phục vụ cho kiểm tra,
thử nghiệm, tìm nguyên nhân và xử lý
hư hỏng của hệ thống kích từ là không thể (vì
tốn nhiều chi phí cho dầu FO và không cho phép duy trì lâu tốc độ tổ máy ở định
mức). Nhóm công tác của Công ty đã
nghiên cứu đưa ra phương pháp mô phỏng để thử nghiệm các chế độ vận hành của hệ
thống kích từ mà không cần phải quay tổ máy. Có thể nói, đây là giải pháp kỹ thuật tối ưu có thể áp dụng cho các nhà
máy điện khác trong Tập đoàn. Do vậy chỉ trong thời gian 12 ngày, cả hai kênh tự động điều chỉnh điện áp (kênh 1 và kênh 2) của hệ thống kích từ tổ máy S7 Nhiệt điện Uông Bí đã được
khôi phục hoàn toàn và tổ máy đã được vận hành trở lại với bất kỳ kênh nào của
hệ thống kích từ. Thành công này đã được Tập đoàn đánh giá rất cao về tinh thần
trách nhiệm cũng như năng lực chuyên môn của các kỹ sư, công nhân kỹ thuật Công ty Thủy điện Ialy.
Cuối tháng 8/2013,
hệ thống điều tốc tổ máy số 2 (công
suất 32MW) Nhà máy Thủy điện Quảng
Trị bị hư hỏng, tổ máy phải ngừng
hoạt hoạt động. Nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Công ty Thủy điện Quảng Trị, Công ty Thủy điện Ialy đã cử đoàn công
tác đến xử lý. Trong vòng 5 ngày hệ thống điều tốc đã được các cán bộ kỹ thuật
của Ialy khôi phục hoàn toàn và tổ máy đã được vận hành trở lại.
Tháng 11 năm
2013, do thiên tai đã gây sự cố
nghiêm trọng Nhà máy Thủy điện An Khê -
Ka Nak. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
đã điều động nhiều đơn vị, trong đó
có Công ty Thủy điện Ialy, khẩn
trương xử lý sự cố để sớm đưa 2 tổ máy vào vận hành. Công ty được giao xử lý
rotor và máy phát (Phần hạng mục
chính của Nhà máy). Đây là công việc
khó khăn, phức tạp vì phải tháo toàn
bộ rotor, khả năng rủi ro và chi phí
xử lý rất cao và thời gian sẽ kéo dài,
trong khi đó việc xử lý yêu cầu kỹ thuật cao nhưng mặt bằng tiến hành công việc
chật hẹp... Trước khó khăn thách thức này,
với tinh thần trách nhiệm, cùng kinh
nghiệm từ thực tiễn gần 15 năm quản lý công tác sửa chữa thủy điện, các kỹ sư công nhân của Ialy đã khảo sát, lập phương án xử lý mà không phải tháo
rotor. Phương án xử lý đưa ra đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thi công đã
thuyết phục được Ban Chỉ đạo và phương án đã được chọn, CBCNV Công ty đã chủ trì tổ chức xử lý thành công, đưa 2 tổ máy vào vận hành an toàn với
tổng thời gian chỉ 45 ngày. Các thông số kỹ thuật của 2 tổ máy sau khi xử lý
tương đương với lúc mới đưa vào vận hành. Đây là một thành quả rất lớn, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Những thành
công trong lĩnh vực sửa chữa, thí
nghiệm các nhà máy điện của đội ngũ kỹ thuật Công ty đã góp phần xây dựng uy
tín và phát triển thương hiệu Ialy đến các đối tác trong cả nước.
Yêu cầu đặt ra
khi thực hiện công tác tư vấn giám sát,
lắp đặt thiết bị ngoài năng lực chuyên môn,
bản lĩnh, kinh nghiệm thì việc bố
trí nhân sự hợp lý tại công trường cũng là nhân tố mang tính quyết định đến
chất lượng, hiệu quả công việc. Để
thực hiện tốt nhiệm vụ này, Công ty đã
lập chương trình, kế hoạch chi tiết
trong việc bố trí lao động; Lựa chọn
đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật có
trình độ chuyên môn cao để bám sát quá trình lắp đặt, thí nghiệm, hiệu
chỉnh, chạy thử thiết bị. Trong quá
trình giám sát, CBCNV Công ty đã đưa
ra nhiều kiến nghị, đề xuất có tính
thuyết phục cao về sự hợp lý, yêu
cầu kỹ thuật của từng hạng mục và được các bên liên quan chấp nhận thực hiện.
Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định của thiết bị trong toàn bộ dây
chuyền hệ thống khi chính thức đưa vào vận hành. Điển hình trong lĩnh vực này
phải kể đến là vai trò của Công ty tại Thủy điện Pleikrông, Sê San 4,
Sê San 4A, Hòa Phú... thông qua các
hoạt động tư vấn giám sát lắp đặt, đồng
bộ thiết bị, lập chương trình thử
nghiệm, sơ đồ khởi động và vận hành
thử nghiệm...
Để thực hiện
tốt nhiệm vụ đào tạo lực lượng sản xuất cho các nhà máy thủy điện, Công ty đã chủ động kiện toàn đội ngũ
CBCNV làm công tác đào tạo đủ về số lượng,
đảm bảo chất lượng. Vừa có kiến thức,
vừa có đạo đức nghề nghiệp cũng như phương pháp sư phạm.
Bên cạnh đó, Công ty chủ động lập chương trình đào
tạo phù hợp với từng chức danh, biên
soạn giáo trình theo từng lĩnh vực. Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành theo tỷ
lệ phù hợp, trong đó thực hành được
coi trọng chiếm 80% thời gian đào
tạo. Ban hành quy định về công tác đào tạo,
đưa ra các yêu cầu chi tiết cho người dạy và người học từ khâu chuẩn bị nội
dung truyền đạt, hiện trường thực
hành, công tác kiểm tra, đánh giá,
chuẩn bị tài liệu, tham gia ý kiến, lấy học viên làm chủ thể trong quá trình
đào tạo, hình thành tư duy tìm tòi, sáng tạo tự học của học viên.
Để nâng cao
chất lượng đào tạo thì yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy
bằng trực quan cũng như thực hành trên thiết bị mô phỏng là điều kiện cần phải
có. Thực hiện yêu cầu này, các kỹ sư
của Công ty đã tự thiết kế và thi công hệ thống thiết bị mô phỏng có chất lượng
tương đương thiết bị nhập ngoại, hệ
thống này được điều khiển tự động (PLC) khá hiện đại. Với cách thức này Công ty
vừa có thiết bị để học viên thực tập vừa tiết kiệm được nhiều chi phí do không phải
mua thiết bị.
Các năm qua, ngoài việc đào tạo lực lượng chuẩn bị
sản xuất của Thủy điện Sê San 4 và Pleikrông,
Công ty còn đào tạo lực lượng sửa chữa,
vận hành với số lượng hàng trăm học viên cho các nhà máy điện như: Thủy điện Sơn La, Xekaman 3, A Vương, Sê San 4A,
Sông Bạc, Dốc Cáy, Sông Bung 4, Hòa phú, Đăk Lô, Đakdrinh...,
đảm bảo thời gian và đạt chất lượng đào tạo. Tất cả các chức danh được đào tạo đều
được kiểm tra nghiêm ngặt và được thực hành trực tiếp trên thiết bị, vì vậy các chức danh có thể làm việc độc
lập sau khi kết thúc khoá học.
Hưởng ứng
phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo,
ngay từ những ngày đầu thành lập,
CBCNV trong Công ty đã tích cực nghiên cứu,
rút kinh nghiệm từ thực tế công tác để đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao năng
suất lao động.
Tính từ năm
2009 đến nay, đã có tổng số 35 sáng
kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa
sản xuất của CBCNV Công ty được công nhận và đưa vào áp dụng, đặc biệt có một số sáng kiến đạt giải
cao tại các Hội thi, tiêu biểu như
sáng kiến "Lắp bổ sung van bi vào đường dầu áp lực cấp cho con lắc ly tâm điều
tốc cơ tại Thủy điện Pleikrông" của tác giả Nguyễn Văn Anh đã đạt giải ba và
sáng kiến "Sửa đổi thiết kế mạch báo tín hiệu đứt chốt cắt cánh hướng Thủy
điện Sê san 3" của tác giả Vũ Văn Ngọc đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi
sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2013.
Một thành tích
nổi bật thể hiện tính năng động,
sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công
nhân Công ty trong công tác quản lý vận hành đó là đã lập phương án và tổ chức
thực hiện khởi động đen tổ máy, đưa
tổ máy vào vận hành độc lập, làm
nhiệm vụ cung cấp và điều tần cho lưới điện Kon Tum trong thời gian đường dây
110kV Pleiku - Kon Tum cô lập đưa ra
để nâng cấp. Đây là công việc khó khăn và phức tạp vì phụ tải của tỉnh Kon Tum
thay đổi liên tục theo giờ, hơn nữa
giai đoạn này là đầu mùa mưa nên giông sét nhiều,
sự cố trên lưới điện rất dễ xảy ra. Mặt khác,
sự chênh lệch phụ tải vào giờ cao điểm và thấp điểm là rất lớn, thậm chí vào giờ thấp điểm, tổ máy phải làm việc ngoài đường đặc
tính của tuabin, cho nên bất cứ một
sự cố nào dẫn đến dừng tổ máy thì việc khôi phục lại lưới điện Kon Tum là rất
khó khăn và phức tạp. Xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là cung cấp điện
liên tục phục vụ nhân dân tỉnh Kon Tum,
hạn chế thấp nhất các sự cố có thể xảy ra làm gián đoạn việc cung cấp điện, CBCNV làm việc tại Thủy điện Pleikrông đã
không quản ngại khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của mình: Nhân viên vận hành thì tích cực kiểm tra và giám sát các
thiết bị làm việc để đảm bảo cung cấp điện liên tục, đảm bảo chất lượng điện năng,
Đồng thời, phát hiện kịp thời các
khiếm khuyết dù là nhỏ nhất; Lực
lượng sửa chữa thì tăng cường lực lượng để xử lý bất cứ các khiếm khuyết nào.
Chính vì vậy trong suốt thời gian phát điện độc lập, điện áp và tần số lưới điện Kon Tum luôn nằm trong phạm vi
cho phép và vận hành ổn định liên tục,
không có một sự cố nào làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện do lỗi từ phía nhà
máy. Điều này đã được khách hàng và các cấp điều độ ghi nhận và đánh giá cao.
Trong các năm
qua, cùng với việc thực hiện tốt các
chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. Lãnh đạo Công ty luôn ý
thức và thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước. Thông qua việc tổng hợp, kê khai,
đối chiếu và thực hiện việc thu nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định của
pháp luật: Năm 2011 là hơn 490 tỷ đồng, 2012 hơn 699 tỷ, 2013 hơn 731 tỷ đồng các khoản thuế và phí dịch vụ môi
trường rừng. Dự kiến năm 2014 với sản lượng ước đạt 5,7 tỷ kWh, Công ty
sẽ đóng khoảng 113 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng và hơn 967 tỷ đồng tiền
thuế (VAT và tài nguyên nước) góp phần quan trọng trong vấn đề cân đối
ngân sách địa phương 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Tất cả những
gì mà mỗi cán bộ, nhân viên Công ty
Thủy điện Ialy đã làm được 15 năm qua là những cảm nhận có chút tự hào, dù ít,
dù nhiều, không thể đong đếm được, song đều có sự đóng góp của mình trong
hành trình phát triển của đất nước./.