Hoạt động sản xuất

Trên tuyến đầu nguồn sáng

Thứ ba, 2/8/2011 | 15:59 GMT+7
Với một công trình thủy điện, mọi chuyện đều bắt đầu từ hồ chứa nước. Khác với nhiệt điện:
Với một công trình thủy điện, mọi chuyện đều bắt đầu từ hồ chứa nước. Khác với nhiệt điện: than đá, dầu mỏ để sản xuất ra điện được gọi là “vàng đen”. Ở thuỷ điện, nước được gọi là nguồn “vàng trắng”. Nhưng nước còn được cha ông ta từ ngày xưa gọi là “giặc thuỷ”, bởi sự hung dữ phi thường của những dòng nước lớn!
Nếu bạn có dịp đến thăm thủy điện Ialy, từ cổng chào xuôi theo con dốc đầu tiên, dọc theo “Vườn cây đời đời nhớ ơn Bác” đến đập tràn, xin mời bạn dừng chân ghé thăm “Tổng hành dinh” của những người công nhân quản lý vận hành hồ chứa thủy điện Ialy có tên Tổ quan trắc. Tổ quan trắc được đặt ngay tại đầu vào của đập dâng thuỷ điện Ialy, nơi dưới chân đập trước kia là thác Ialy.
Đo lún theo lớp của thân đập
“Làm quan trắc tại hồ Ialy như sống bên cạnh người đẹp nhưng khó tính!” vừa đưa tay lau vội mồ hôi trên trán, Anh Phan Ngọc Linh -Tổ trưởng tổ quan trắc nói với chúng tôi. Cũng đúng thôi, bởi thác Ialy, theo truyền thuyết, trước kia được gọi là mái tóc nàng Ly… rất đẹp. Nhưng đằng sau cái đẹp ấy đôi khi lại rất dữ mỗi khi những cơn lũ lớn tràn về. Giờ đây, bao nhiêu vẽ đẹp của thác Ialy đều được mô tả và so sánh với vẽ đẹp của hồ Ialy, còn cái dữ được thuần trở lại để tạo thành sức mạnh cho dòng điện Ialy. “Thế chắc là vất vả lắm phải không anh?” chúng tôi đáp lại. Đúng là hàng ngày bận rộn nhất với các anh là chuỗi các công việc như thu thập các bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn, đo đạc mức nước hồ chứa, tính toán lưu lượng nước về/nước qua tổ máy/nước qua tràn, đo đạc các thông số phản ánh tình trạng công trình đập dâng/đập tràn/các vai đập, kiểm tra tình trạng vùng lòng hồ…nhưng khổ nhất là khi xuất hiện các cơn lũ vào mùa mưa, lúa đó tần suất đo đạc được tăng lên đến 15 phút một lần.
Để đảm bảo nguồn nhiên liệu dự trữ, khai thác hiệu quả từng centimet nước để sản xuất điện năng. Đồng thời, phải thực hiện tính toán điều tiết vận hành an toàn công trình hồ chứa, đảm bảo an toàn cho cư dân ven hồ và vùng hạ du, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Công ty mà những người công nhân quan trắc vinh dự được giao nhiệm vụ. Ngoài hồ Ialy, các anh còn quản lý vận hành hồ Pleikrông, Sêsan 3. Địa bàn rộng và chia cắt nhưng họ không quản ngại khó khăn, ngày đêm theo dõi diễn biến của những công trình khi mùa mưa đến.
Năm 2009, lũ trên sông Sê San xuất hiện với tần suất hàng ngàn năm mới có một lần gây nhiều vất vả cho việc điều tiết hồ chứa. Năm 2010, lượng nước về các hồ trên sông Sê San giảm thấp kỷ lục, chỉ bằng 62,8% so với trung bình nhiều năm, 47,5% so với năm 2009. Biến đổi khí hậu và cực đoan của thời tiết đang đặt thêm cho các anh thách thức. Giữ ổn định lượng nước cho cho nhiều mục tiêu: sản xuất điện, sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh đã và đang là một nhiệm vụ phải thực hiện với nhiều vất vả. Vì thế, công việc của các anh càng trở nên khó khăn hơn trước.
Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, những người công nhân quan trắc hồ chứa thủy điện với lòng yêu nghề và niềm tự hào công việc luôn biết cách để vượt lên, tự khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ thông thuộc lòng hồ, hiểu rõ từng sự thay đổi dù là nhỏ nhất của công trình như chính lòng bàn tay mình vậy.
 Mùa mưa lại về trên Tây Nguyên, những công việc chuẩn bị cho phòng chống bão lũ năm 2011 đã được hoàn tất. Các tổ máy cũng đã sẵn sàng cho việc chuyển “vàng trắng” thành nguồn năng lượng điện. Với mục tiêu vừa đảm bảo tối ưu cho sản xuất điện, vừa phải “trị thủy” bảo vệ công trình, bảo vệ dân cư ven hồ… Công ty thủy điện Ialy đã và đang góp phần phát triển kinh tế đất nước, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn nơi Công ty đóng chân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người công nhân quan trắc - những người ngày đêm trên tuyến đầu nguồn sáng.
Lê Minh Tuấn – Thủy điện Ialy.