Hoạt động sản xuất

Nơi con sông đi qua...

Thứ sáu, 4/2/2011 | 08:08 GMT+7
Quê hương tôi có một dòng sông nhỏ. Làng ở ven sông chia thành ba xóm: xóm Nam, xóm Bắc và xóm Trung.

Quê hương tôi có con sông xanh biếc” – thơ Tế Hanh
Quê hương tôi có một dòng sông nhỏ. Làng ở ven sông chia thành ba xóm: xóm Nam, xóm Bắc và xóm Trung. Cả ba đều ôm chặt dòng sông chạy quanh làng. Tuổi thơ tôi không sống với dòng sông quê thanh bình ấy, bởi sau khi đất nước thống nhất, gia đình tôi vào lập nghiệp trên mảnh đất Tây Nguyên, nơi cha tôi đóng quân khi vào Nam chiến đấu. Hình ảnh về con sông xanh biếc, về những buổi trưa hè bên sông được cha tôi kể lại, vậy mà khi về quê, nhìn sông tôi vẫn thấy bồi hồi !
Với quê hương thứ hai, đời tôi lại gắn liền với một dòng sông lớn, dòng Sê San. Tôi biết Sê San lần đầu tiên khi đến Kon Tum vào khoảng năm 1990. Một nhánh của Sê San chảy qua thị xã Kon tum có tên gọi là Đakbla. Sông Đakbla trong xanh, hiền hòa. Chiếc cầu sắt bắt qua sông những năm ấy vẫn còn phải gồng gánh những chuyến xe qua lại hai bờ và dòng sông khi đó có vẻ nhỏ hơn bây giờ. Tôi theo các anh lái xe xuống dưới chân cầu, lúc chờ xe lấy cát chúng tôi thường vào những bãi bồi bên sông bẻ trộm bắp. Bắp ở sông Đakbla toàn là bắp nếp, bắp đang thời con gái, cắn vào ứa sữa ngọt lành, thơm ngon không thể nào kể xiết.
Mùa mưa, sông Đakbla cuồn cuộn chảy xiết, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng. Mùa khô, Đakbla để lộ hai doi cát bên mình mịn màn trắng nõn. Chúng tôi xuống sát mép sông, bới một hố cát nhỏ, chờ một chốc là có nước, nước sạch, để lắng là có thể dùng được. Nước xuống, lòng sông hơi hẹp, dường như chỉ bơi vài giây là có thể qua bên kia bờ, lũ trẻ ở ven sông vẫn qua lại hai bờ bằng cách ấy. Chiều chiều không chỉ có bọn trẻ tắm sông mà còn có cả người lớn vẫy vùng la hét rộn rã cả một khúc sông vốn yên ắng, thanh bình.
Tôi lớn lên, trưởng thành rồi đi làm thủy điện. Công việc của tôi giờ gắn liền với những dòng sông, dòng sông của những người làm thủy điện đôi khi toàn là thác cao, là ào ào nước lũ. Dòng sông Sê San vẫn luôn mang trên mình những huyền thoại về thác Ialy hùng vĩ, bọt tung trắng xóa, sức mạnh cuồng sôi. Tôi đến với Sê San, với lòng tự hào là những người biến thác lũ cuồng sôi thành dòng điện sáng ngời cho tổ quốc. Thác Ialy giờ đang nằm ngủ, với lòng hồ xanh ngát và bình yên, nhưng trong lòng nó là Nhà máy thủy điện Ialy ầm ầm đầy sức mạnh. Đến thăm Thủy điện Ialy hôm nay, từ cổng vào, du khách đã phải ngạc nhiên bởi phong cảnh lòng hồ thoáng rộng. Đập dâng, đập tràn với bàn tay tài hoa của những người đi xây thủy điện đã tạo ra một nét “mày ngài” sắc sảo, như cái liếc nhìn của cô gái Tây nguyên, khiến du khách phải nao lòng. Theo đà phát triển, những lòng hồ mới: Pleikrông, Sê San 3 cùng với những nhà máy mới trên sông Sê San được hình thành, kéo theo đó là bao đổi thay của làng quê nơi đây về cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học...
Dòng Sê San hôm nay không còn mang dáng vẻ của ngàn năm trước, chiếc cầu sắt bắc qua sông năm xưa giờ được thay bằng bê tông vững chãi vào cửa ngõ phía Nam của thành phố Kon Tum tươi đẹp. Lòng sông rộng hơn, những doi cát trước kia giờ được thay bằng hai con đường chạy dọc theo sông, phẳng lì. Những ngôi nhà ven sông giờ cao hơn, đẹp hơn, mang dáng dấp của một thành phố mới. Với sự hình thành của các hồ thủy điện, cư dân ven sông trong vùng ngập lòng hồ giờ đã có nơi ở mới, khang trang hơn. Tập quán canh tác ven sông ngày xưa, giờ cũng đã được thay đổi phù hợp hơn với từng con nước lên, nước xuống của hồ. Vùng đất bán ngập được sử dụng hợp lý, các ngành nghề mới có cơ hội phát triển như du lịch lòng hồ, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lương thực ngắn ngày… Cùng với sự chăm lo của địa phương và các nhà máy thủy điện, con em cư dân vùng hồ hôm nay được đi học, được vui chơi trong ngôi trường mới, điện đến tận buôn làng, đường đến tận ngõ xóm, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe người dân đến tận thôn, bản làng xa xôi nhất. Các gia đình cũng dần đủ ăn, đủ mặc, xóa được cái đói, giảm được cái nghèo; tiếng cồng, tiếng chiêng của bà con vì thế cũng rộn ràng và cao vút.
Nơi dòng sông Sê San đi qua, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh hùng vĩ, trải qua hàng ngàn năm, giờ sông mang lại ánh sáng. Tôi chợt nghĩ về con sông quê tôi, về bao thế hệ gắn bó với sông, mưu sinh và trưởng thành. Những đồng nghiệp của tôi cùng đến với dòng sông Sê San này, cùng làm việc tại Công ty thủy điện Ialy hôm nay, cũng đến từ những dòng sông khắp nơi trên mọi miền đất nước. Trong mỗi người đều mang ký ức về một dòng sông quê thanh bình,mang lại phù sa, nước biếc và tô bồi tưới tiêu cho ruộng đồng - nơi con sông đi qua.
Mùa xuân lại về bên dòng Sê San, về bên những ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa, những con đường còn thơm mùi đất đỏ bazan, vườn cây thơm mùi trái chín và ruộng đồng thơm mát mùi mạ non tơ. Dòng sông Sê San vẫn như một dải lụa xanh ngắt vắt ngang qua hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, mang đến nơi đây một sức sống mới từ những công trình thủy điện, tạo một sức bật mạnh mẽ về kinh tế, đẩy lùi cái đói, cái khát, đặc biệt là sự thay đổi về tư duy: phải luôn tự chủ, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình; trân trọng, yêu quý dòng sông, khai thác hợp lý nguồn lợi do dòng sông mang lại, bảo vệ dòng sông cho thế hệ hôm nay và cho cả mai sau.
Tôi đứng đây, trên cầu Đakbla – nơi con sông đi qua, nhìn về hạ lưu là Nhà máy Thủy điện Ialy rồi đến Thủy điện Sê san 3, chệch về tả ngạn có thủy điện Pleikrông. Đây là 3 nhà máy do Công ty Thủy điện Ialy quản lý, cùng những nhà máy khác trên bậc thang thủy điện Sê san như: Sê san 4, Sê san 3A… ngày đêm vận hành sản xuất ra dòng điện góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 Sông Sê san đã trở thành cội nguồn, nơi bắt đầu của biết bao thế hệ. Mong rằng mỗi một người dân sẽ ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bởi chỉ có như vậy Sê san mới mãi trong xanh, hào phóng ban dòng nước ngọt trong lành cho cuộc sống và chúng tôi - những người thợ điện Ialy sẽ biến dòng nước đó thành dòng điện thắp sáng những buôn làng Tây nguyên thân yêu này./.
Lê Minh Tuấn- Công ty Thủy điện Ialy.