Hoạt động sản xuất

Lái xe bằng cả trái tim

Thứ tư, 19/1/2011 | 13:44 GMT+7
Đi từ Thủy điện Ialy về đến trung tâm thành phố Pleiku hơn 60 km, đó là một chặng đường dài. Hơn 10 năm làm việc,
Đi từ Thủy điện Ialy về đến trung tâm thành phố Pleiku hơn 60 km, đó là một chặng đường dài. Hơn 10 năm làm việc, ước tính có khoảng 6.000 giờ đi lại giữa Thành phố và Thuỷ điện. 6.000 giờ, tức gần một năm làm việc, một phần mười thời gian chúng tôi gắn bó với Công ty này. Những chuyến xe đưa ca – “con thoi” của thuỷ điện nối liền nơi sống và nơi làm việc, giữa gia đình và Nhà máy, nối liền yêu thương, xua tan mệt nhọc… Chúng tôi biết, trên những chuyến xe ấy, “những cơ trưởng”  đã đưa chúng tôi đi bằng cả trái tim !
Lái xe là một nghề đặc biệt, công việc không xác định bằng thời gian cụ thể, họ là người bắt đầu sớm nhất và cũng là những người cuối cùng, kết thúc một ngày làm việc của Công ty. Hàng ngàn giờ an toàn sau tay lái, đưa đón Lãnh đạo, công nhân viên bất kể nắng, mưa, cung đường bị sạt lở, hay khi xảy ra sự cố. Với họ, đó là một công việc thường nhật. Còn chúng tôi, đã quen với cảm giác bình yên khi bước lên xe, thoải mái ngả lưng vào ghế nghe nhạc, chìm sâu vào giấc ngủ hoặc thảnh thơi ngắm phố phường nhẹ trôi qua cửa sổ… Chúng tôi, những người thụ hưởng sự thoải mái trên những chuyến xe, thản nhiên ngã mình trên ghế sau ngày mệt nhọc nhưng chẳng bao giờ tự hỏi cảm giác bình yên đến từ đâu. Phải chăng, đó chính là niềm tin của chúng tôi đã đặt vào tâm của những con người ngồi sau tay lái, niềm tin tuyệt đối như ngã lưng vào tay mẹ vậy!
“Chỉ nghe tiếng còi xe là biết xe của Ialy rồi”, đó là lời của ông già Đức bán báo ở ngã ba Diệp Kính, một trong những địa điểm đón xe của Ialy ở thành phố Pleiku. Khi chờ xe, chúng tôi tới quầy của ông để đọc báo và ông hay nói chuyện về mọi thứ, trong đó có đặc điểm của xe Ialy. Khi được hỏi tại sao? ông giải thích “tiếng còi xe của Ialy rất đặc biệt, khi cần bóp còi, người lái xe bóp từng tiếng dứt khoát chứ không bóp còi dồn dập như xe khách…”, tôi nghe thế và cảm thấy lâng lâng!
Giờ đây, khi nhắc lại chuyện này, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác tự hào ngày ấy, để rồi chợt nhận ra rằng đấy không chỉ là một lời khen, mà còn chứa đựng một nét đẹp văn hóa, khiến chúng ta phải suy nghĩ và giữ gìn. Người lái xe, giao tiếp bằng thái độ, thể hiện văn hoá bằng cái bóp còi, sự tin tưởng của hành khách thể hiện bằng giấc ngủ, khi họ đã trao cả niềm tin cho những người ngồi sau tay lái. Chuyến xe qua, không đơn thuần là phương tiện, mà còn là hình ảnh để giao tiếp giao tiếp với cộng đồng, với những người tham gia giao thông. Hơn mười năm, những người lái xe Công ty thủy điện Ialy đã làm được tốt nhất điều mình có thể, cho dù không dễ dầu gì. Dẫu còn đó những tai nạn, những va quẹt không đáng có, nhưng chúng tôi biết các anh đã cố hết mình. Hơn ai hết các anh cố gắng tạo ấn tượng tốt, ứng xử có văn hóa với cộng đồng, địa phương nơi những chuyến xe đi qua.
Về nội bộ, các anh luôn nhắc nhở mọi người lên xe đúng giờ, đón xe đúng vị trí, không chen lấn, xô đẩy, nhường chổ cho người già, trẻ em, phụ nữ… biết phê bình, góp ý kịp thời những hành vi phản văn hóa, vi phạm luật giao thông, về những mối nguy hiểm hay có những thái độ bất chấp, coi thường tính mạng của mình và người trên xe... Chính điều đó tạo nên nét đẹp ứng xử mà vẫn được gọi là “văn hóa giao thông”. Những lái xe, bằng việc làm giản dị của mình, đang tạo ra một thứ tài sản vô hình quý giá cho doanh nghiệp, đó quả là một phần đáng quý, không thể thiếu để góp phần hình thành nét đẹp ứng xử của “người Ialy”.
Bình yên cho mỗi chuyến xe chính là những cố gắng không ngừng của mọi thành viên: cả “chủ xe” và “khách”. Mỗi người trong số họ đều đã tạo được dấu ấn riêng cho mình, đặc biệt bằng chính tay nghề vững vàng với hàng ngàn giờ an toàn sau tay lái. Mọi người còn sẽ nhớ đến anh Khôi với tiếng cười sảng khoái, anh Hữu hay đùa, anh Nghĩa “lắm chuyện” hay anh Vinh “rất điệu”... Thật tình, chúng tôi không thể hiểu hết được những khó khăn trong công việc của các anh, nhưng luôn thầm cám ơn họ đã đem lại những phút giây bình yên để trên mỗi chuyến xe đi về, mọi người có thể bình thản đưa mắt ngắm nhìn những con thuyền trên hồ Ialy, những mầm xanh đang nẩy lộc khi mùa xuân đến, những ngôi nhà ấm áp màu ngói đỏ, những nụ cười đầy khát vọng của ngày mai…
“Lái xe bằng cả trái tim” chính là khẩu hiệu được các anh gắn trên xe, giờ đây như đang có thêm một tinh thần mới, một trách nhiệm mới mà mỗi người lái xe Ialy và tất cả chúng ta có quyền tự hào và gìn giữ. Cố gắng để trở thành một nét đẹp về văn hóa giao thông của người Ialy, cùng với những đặc trưng khác hình thành nên một văn hoá có màu sắc – văn hoá Ialy.

Lê Minh Tuấn – Trưởng kíp vận hành Ialy.