Đảng - Đoàn thể

Ký sự Tây Bắc: Thuỷ điện Hoà bình đến Thuỷ điện Sơn La

Thứ sáu, 21/11/2014 | 11:05 GMT+7
Những ngày đầu tháng 11, Đoàn cán bộ Công ty gồm 11 thành viên là Lãnh đạo Công ty, các đơn vị, Ban nữ công, Ban vì tiến bộ phụ nữ…được Giám đốc cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và tham quan các nhà máy thuỷ điện lớn các tỉnh phía Bắc. Xin kể lại chuyến đi với nhiều kỷ niệm, dấu ấn này như một miền ký ức đẹp về tâm tình của những người làm thủy điện.
Những ngày đầu tháng 11, Đoàn cán bộ Công ty gồm 11 thành viên là Lãnh đạo Công ty, các đơn vị, Ban nữ công, Ban vì tiến bộ phụ nữ...được Giám đốc cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và tham quan các nhà máy thuỷ điện lớn các tỉnh phía Bắc. Xin kể lại chuyến đi với nhiều kỷ niệm, dấu ấn này như một miền ký ức đẹp về tâm tình của những người làm thủy điện.

Chúng tôi đáp chuyến bay đêm từ Pleiku đến Hà Nội. Máy bay nhẹ nhàng di chuyển trên đường băng phi trường khi trời đã đầy sao, cảnh vật hiện ra trong yên bình, thấp thoáng dưới ánh đèn, thành phố Pleiku thật thân thương, nhìn qua ô cửa thấp thoáng những vạt hoa Cúc quỳ bắt đầu chớm nở, những người làm thuỷ điện chúng tôi hơi chạnh lòng bởi vì biết rằng mùa mưa ở Tây nguyên năm nay không còn nữa.

Hà Nội những ngày cuối thu đầu đông heo may lạnh, không khí mùa thu trong veo, se lạnh nhưng thật dễ chịu, cái se se lạnh man mác mà Pleiku không có được. Tôi mới chợt hiểu ra rằng tại sao mùa thu Hà Nội lại trở thành nguồn cảm hứng để các nhạc sỹ viết nên những tác phẩm âm nhạc hay như vậy.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tạm biệt Hà Nội lên thuỷ điện Hoà Bình. Vượt qua chặng đường gần 60km, thành phố Hoà Bình hiện ra với nhiều đổi thay so với thị xã Hòa Bình ngày ấy, ngày mà cách đây 17 năm những người công nhân vận hành Thuỷ điện Ialy được đào tạo, học tập tại đây. Dòng sông Đà chia thành phố làm đôi, một nữa bên bờ phải, một nữa bên bờ trái. Mùa này Sông Đà nước trong xanh, êm ả như một dải lụa ôm lấy thành phố. Hoà Bình bây giờ phát triển nhanh, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên bên bờ trái. Có lẽ duy nhất ở nước ta, có một nhà máy thủy điện nằm trọn trong lòng thành phố.

Anh Minh - Giám đốc Công ty cùng Phó giám đốc Vương, Chủ tịch Công đoàn Dung và Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đón chúng tôi trong niềm hân hoan, ấm cúng, chân tình của những người đồng nghiệp. Sau cái bắt tay, thăm hỏi, mọi người cùng trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận hành, sửa chữa. Buổi giao lưu tennis được diễn ra sau đó trong tiếng cổ vũ, động viên của đông đảo đồng nghiệp. Mọi người quây quần thưởng tức bữa tối đầm ấm như "gia đình thuỷ điện" với lẫu canh gà nóng uống cùng rượu ngâm táo mèo - Đặc sản của Hoà bình. Hơn 23 giờ đêm các đồng nghiệp Hòa Bình đưa đoàn Ialy tham quan đập tràn nhà máy.   

 Đứng trên đập tràn nhìn về thành phố tràn ngập ánh đèn lấp lánh như những ánh sao đêm, chúng tôi thăm tượng đài Bác Hồ trên đồi cao bên bờ phải. Đứng dưới tượng Bác mỗi người dâng lên cảm xúc bồi hồi xúc động trước Bác, Người đã từng đi bốn biển năm châu tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Trong khoảng lặng giữa bầu trời đêm, Anh Minh kể rằng: "Trong một dịp về thăm Hoà Bình vào thời gian giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, đứng bên dòng sông Đà vào mùa lũ lớn, Bác chỉ tay xuống dòng nước Bác nói: Các chú mai này phải chinh phục cho được dòng nước hung dữ ngày thành dòng năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước. Lúc này, chúng tôi mới hiểu ra rằng vì sao tượng Bác Hồ ở Thuỷ điện Hoà Bình bàn tay phải Bác chỉ xuống.

Xúc động khi đứng dưới chân Người (tượng Bác tại Thủy điện Hòa Bình)

Tạm biệt Hòa Bình trong ánh nắng ban mai trộn lẫn màn sương sớm, với những cái bắt tay nồng ấm, những bàn tay vẫy chào đưa tiễn của đồng nghiệp chúng tôi ngược theo quốc lộ 6 lên Thủy điện Sơn La. Vùng Tây Bắc hiện ra thật bao la, hùng vĩ. Đi ngang qua Mộc Châu những con đường ôm sát triền núi với những cánh đồng hoa cải đang bắt đầu chớm nở xen lẫn cánh rừng hoa ban đang trở mình đơm hoa. Đoàn được những người bạn cũ của Anh Nguyên - Quản đốc PX Cơ khí Thủy lực là Anh Trung, Chị Hiếu, Chị Loan hiện đang công tác tại Nông trường Mộc Châu mời ăn trưa trong căn nhà nhỏ đơn sơ với món thịt heo Mường mà họ đã chuẩn bị từ sáng sớm. Cách đây 25 năm, ở đây có nhà máy thủy điện nhỏ Mộc Châu dự kiến xây dựng. Tuy nhiên, do địa hình khó khăn nên Bộ năng lượng điều chuyển thiết bị vào lắp cho nhà máy thuỷ điện Ry Ninh 1 bây giờ, để cấp điện thi công xây dựng công trình Thủy điện Ialy. Chia tay những người bạn tại Mộc Châu, chúng tôi cảm giác chếnh choáng men nồng của rượu ngâm với hoa rừng Mộc Châu. Tôi thấm thía hơn với chân lý "Mọi thứ rồi cũng sẽ trôi qua chỉ có, tình người là còn mãi với thời gian"...
  Cùng đồng nghiệp tại gian máy thủy điện Sơn La

Ngược dòng Sông Đà ngang qua Cầu cứng Mường La, Đoàn chúng tôi đến Thuỷ điện Sơn La (thủy điện lớn nhất Việt Nam với công suất 2.400 MW gồm 6 tổ máy). Đón chúng tôi có anh Nam - Giám đốc Công ty, anh Sơn Chủ tịch Công đoàn cùng lãnh đạo các phân xưởng, đơn vị nghiệp vụ...Tại đây chúng tôi đã có nhiều ấn tượng mạnh. Thứ nhất: Sơn La là thuỷ điện công suất lớn nhưng được xây dựng nhanh vượt tiến độ hơn 2 năm- một kỳ tích của ngành xây dựng thuỷ điện Việt Nam, được vận hành bởi những người kỹ sư, công nhân trẻ 9X, (các em được đào tạo về sửa chữa tại Ialy) mới ngày nào nay đã trưởng thành và đảm nhận những vị trí chủ chốt Quản đốc, Phó quản đốc phân xưởng. Trong mắt của họ ánh lên sự tự tin, sáng tạo, dám làm của tuổi trẻ. Thứ hai là anh Nam - Giám đốc, ẩn chứa phía trong vóc người nhỏ nhắn, mái tóc húi cua, đôi mắt tinh tường là sự mạnh mẽ, quyết đoán đầy nghị lực nhưng cũng rất chan hoà tình cảm đồng nghiệp, cộng sự của mình.

Chia tay Thuỷ điện Sơn La để lại sau lưng dòng Sông Đà mùa này nước trong xanh, thật thơ mộng, đoàn chúng tôi ngược theo tỉnh lộ 6 rẽ qua quốc lộ 32 lên miền đất Sapa đầy huyền thoại...

                                                                                              Ghi chép của Anh Khôi