Đảng - Đoàn thể

Trở lại Sê San 3 - Kỳ 1: 33km đường đèo và 200 khúc cua

Thứ ba, 14/10/2014 | 10:14 GMT+7
Sáng 12/10, Công ty Thủy điện Ialy tổ chức Lễ mừng công nhân sự kiện nhà máy thủy điện Sê San 3 (nhà máy lớn thứ 3 trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Sê San do Công ty quản lý vận hành) sản xuất được 10 tỷ kWh điện. Như vậy, sau 8 năm tiếp nhận, vận hành nhà máy, CBCNV Công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lập nên cột mốc về sản lượng.
Sáng 12/10, Công ty Thủy điện Ialy tổ chức Lễ mừng công nhân sự kiện nhà máy thủy điện Sê San 3 (nhà máy lớn thứ 3 trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Sê San do Công ty quản lý vận hành) sản xuất được 10 tỷ kWh điện. Như vậy, sau 8 năm tiếp nhận, vận hành nhà máy, CBCNV Công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lập nên cột mốc về sản lượng.

Chúng tôi đã có chuyến hành trình đến với Sê San 3 nhân sự kiện này và ghi chép lại những điều đang diễn ra nơi đây để bạn đọc hiểu hơn về công việc, cuộc sống của những con người ngày đêm miệt mài bên các tổ máy thực hiện sứ mệnh "Khơi nguồn vàng trắng Sê San".

1. Khởi hành

7 giờ sáng ngày chủ nhật (12/10), chúng tôi xuất phát từ thành phố Pleiku để bắt đầu cho chuyến đi vào thủy điện Sê san 3 dự lễ mừng công. Ngày nghỉ cuối tuần, đường quốc lộ 14 vắng người đi lại, thời tiết Tây Nguyên sáng tháng 10 khá mát mẻ, trong lành, chiếc Mitsubishi-Pajero do tài xế Đỗ Hơn điều khiển di chuyển khá thuận lợi. Đến Trạm truyền tải điện 500kV chúng tôi đón Chủ tịch thị trấn Ialy đi cùng. Đoàn chúng tôi lúc này có tất cả 6 người gồm: Phó giám đốc Công ty Đoàn Tiến Cường, phóng viên Đinh Yến (báo Gia Lai), anh Thành chủ tịch thị trấn, anh Hội - Tổ trưởng bảo vệ Văn phòng, tôi và tài xế.

Gần 8 giờ, chúng tôi đã đi được chặng đường khoảng 30km tính từ thành phố để có mặt tại ngã ba Sê San chuẩn bị đi vào nhà máy trên con đường độc đạo.

2. Hơn 33km và 200 khúc cua

 Thật ra, tất cả chúng tôi đã từng vào Sê San 3 và hiểu khá rõ về cung đường này. Với PGĐ Cường và tài xế thì vào nhà máy là công việc hàng tuần, anh Thành cũng đi lại khá nhiều, phóng viên Đinh Yến và đồng nghiệp đã từng chạy xe máy vào Sê San 3 tác nghiệp thời điểm nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng. Tuy nhiên, mỗi lần đi lại là một lần thử thách với đèo dốc, khúc cua và những cảm giác nôn nao khó tả. Tốc độ xe chậm hẳn so với trước bởi đèo, dốc và những khúc cua liên tục xuất hiện, là tay lái chuyên nghiệp nên tài xế chạy xe khá êm nhưng cũng chỉ có thể giảm đi ít nhiều trạng thái chao đảo của người ngồi. Cái cảm giác hưng phấn của mọi người đã giảm, cuộc trò chuyện cũng thưa dần, ai nấy đều tập trung giữ thăng bằng cho cơ thể và hướng mắt về phía trước.

Xe chạy khoảng 1/3 chặng đường thì phải dừng lại bên khoảng đất trống để nghỉ ngơi ít phút vì một vài thành viên đã bắt đầu say xe, chóng mặt. Thú thật, tôi đã đi trên những chuyến xe đường dài lên tận Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn...cảm giác rất bình thường nếu không muốn nói là khỏe khoắn. Nhưng tại cung đường này, xe ôm cua liên tục, người chao đảo liên tục nên bắt đầu có cảm giác say xe. Cái mùi vị của tô bún mới ăn lúc sáng đã bắt đầu phả ra, dạ dày bắt đầu nôn nao...chuẩn bị cho một trạng thái thường thấy khi đi đèo dốc.... ói. 
Khung cảnh buổi sáng trên đường vào thủy điện Sê san 3

Kìm lại cảm giác không mong muốn ấy, mọi người tranh thủ ngắm khung cảnh núi rừng yên bình trong sáng sớm. Không khí trong lành ở độ cao gần 800m so với mực nước biển giúp chúng tôi nhanh chóng lấy lại sức để đi tiếp...

Xe tiếp tục chuyển bánh, vượt qua những vực sâu, cánh rừng, nương rẫy, trụ sở UBND xã Iakreng, làng Duch, trường học lần lượt hiện ra rồi tụt lại phía sau...chỉ những khúc cua, những đoạn lên dốc, xuống dốc liên tục xuất hiện như bất tận. Đến đây tôi chợt nghĩ, nếu 33km là con số do đơn vị làm đường xác định thì hơn 200 khúc cua không biết chính xác ai là người đã đếm nhưng chắc rằng chỉ những người đi lại nhiều nhất trên con đường này - CBCNV làm việc tại Thủy điện Sê San 3 mới thống kê được...

Cây cầu bắc qua dòng sông Sê San hiện ra trước mắt, báo hiệu Thủy điện Sê San 3 đã gần đến. Dòng Sê san mùa mưa Tây Nguyên đục ngầu con nước qua 2 tổ máy Thủy điện Sê san 3 cuộn chảy về xuôi. Phía hạ lưu cầu không còn dấu tích nhà ở, lán trại của đơn vị thi công do cơn bão lịch sử 2009 đã nhấn chìm. Con đường men theo chân núi lại tiếp tục quanh, co uốn khúc chừng vài km nữa mới đến cổng bảo vệ. Một không gian mới mở ra trước mắt chúng tôi. Trước nhà trực bảo vệ những bóng cây xanh được anh em trồng, chăm sóc đang tỏa bóng, những thảm cỏ được cắt tỉa gọn gàng, con đường từ cổng chính vào tới nhà máy sum sê hàng cây anh đào xanh mướt cùng luống hoa đủ màu sắc...
  Thủy điện Sê San 3

Cái cảm giác mệt mỏi, say xe, chóng mặt, nôn nao tan biến từ lúc nào, chúng tôi trở lại với tâm trạng phấn khích chuẩn bị cho buổi lễ đầy ý nghĩa.

Như vậy, để đặt chân đến tận cửa thủy điện Sê San 3, chúng tôi đã vượt qua hơn 33km đường đèo và khoảng 200 khúc cua với cảm giác mệt mỏi, say xe. Chợt nghĩ đến mỗi CBCNV làm việc tại Thủy điện Sê San 3 đã đi và về ít nhất 12 lần/tháng, 12 tháng/năm, họ đi rồi về, về rồi đi, cần mẫn như vậy hơn 8 năm, không một ngày ngơi nghỉ. Có lẽ, ngoài cái duyên nghiệp của người làm thủy điện, trách nhiệm với công việc thì sự lặp lại liên tục, không ngừng ấy đã giúp họ trở nên bình thản với đèo cao, vực sâu, dốc đứng, cua gấp khúc... khoảng lặng trong tâm hồn mỗi lúc lên xe vào ca, tan ca là lúc họ đếm được hơn 200 khúc cua trên chặng đường 33km...từ những con số tưởng như vô nghĩa ấy họ đã làm nên những con số ý nghĩa...
 
                                  Kỳ tiếp theo: 8 năm và mốc son 10 tỷ kWh điện