Chúng tôi đứng trên đài tưởng niệm những người đã hi sinh khi tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Ialy. Phóng tầm mắt ra xa, dấu tích huyền thoại của dòng thác bạc, vươn xa hơn những vệt xanh tận cuối chân trời nơi khởi nguồn của dòng Sê san hùng vỹ. Thầm tưởng tại nơi đây, ngàn năm trước, cuộc hội ngộ giữa con người với dòng sông đã để lại cho hôm nay tên thác Ialy, gắn liền với tên công trình đã đưa vùng đất Tây Nguyên phát triển lên một tầm cao mới.
Đài tưởng niệm
Tiết trời sang xuân se lạnh, năm mới đang đến rất gần. Giữa làn khói linh thiêng như lời tri ân của những công nhân đang làm việc tại công ty Thủy điện Ialy gửi đến các thế hệ đã gắn bó với dòng sông. Những ngày cuối năm, đất trời như rộng hơn và dường như đang có cuộc hội ngộ lạ kỳ của biết bao thế hệ gắn bó với dòng sông trong đó có chúng tôi. Chợt nghĩ có lẽ người đầu tiên phát hiện ra thác Ialy giữa bạt ngàn núi rừng Tây Nguyên phải làngười rất dũng cảm và có trí tưởng tượng phong phú đến diệu kỳ. Người đó là ai và câu chuyện truyền thuyết ấy có từ bao giờ không ai biết rõ ? Nhưng sự lưu truyền từ đời này sang đời khác thác Ialy, truyền thuyết về dòng Sê san như minh chứng sống động về sự gắn bó muôn đời giữa con người với dòng sông. Từ đó về sau và các thế hệ hôm nay tiếp tục viết nên huyền thoại mới sống động hơn, đẹp và giản dị như chàng trai A Sanh thầm lặng chèo đò đưa quân qua sông đánh giặc hay những người lính chưa biết tên đã hi sinh cho dòng sông trong các cuộc chiến. Cả những người đã nằm xuống trong thời bình cho thủy điện Ialy tỏa sáng. Phải chăng bởi vậy mà nơi đây con người đã hóa thân thành thác, thành sông, thành huyền thoại hay đó là sự hòa hợp giữa dòng sông với con người cho hôm nay và mai sau. Tâm hồn dòng sông cũng là tâm hồn của bao người gắn bó với nó.
Rời thủy điện Ialy, ngược theo dòng nước bạc, đi dọc những bến sông là nơi định cư của những người dân đã rời xa mảnh đất ngàn đời cha ông họ đã mưu sinh để có được công trình thủy điện Ialy. Hơn mười lăm năm kể từ khi hồ Ialy được hình thành, cuộc sống của họ đã bớt đi khó khăn nhưng vẫn còn vất vả. Đến hôm nay, các bậc thang thủy điện Sêsan cơ bản đã xây dựng xong, hồ chứa nước của các nhà máy đã khoác chiếc áo mới cho dòng sông. Sản lượng điện sản xuất hàng năm đã góp phần mang đến những thay đổi, trong đó có sự đóng góp đáng kể của những người dân đã dành đất canh tác cho lòng hồ với mong muốn tương lai tốt đẹp hơn cho con, cháu… Nhưng thời gian vẫn chưa thể làm phai hình ảnh của dòng sông xưa và cũng chưa đủ để cư dân ven sông quen với một vùng hồ xanh tươi, rộng lớn và giàu có.
Thanh bình nơi làng tái định cư
Nhường đất ven sông để hình thành nên vùng hồ hôm nay, sau khi ổn định được nơi ăn chốn ở, việc đầu tiên cư dân nghĩ đến là làm sao tiếp tục mưu sinh. Thay đổi thói quen canh tác đã hình thành hàng ngàn năm qua trên một vùng đất mới không phải dễ dàng. Đất canh tác ven hồ trở nên quý giá, việc thay đổi nước lên, nước xuống theo năm của hồ thủy điện là thách thức phải vượt qua để có thể khai thác vùng bán ngập hiệu quả nhất. Nguồn lợi thủy sản cũng được người dân tìm cách đánh bắt kéo theo sự hình thành của các làng chài ven hồ cũng chỉ dừng ở mức khai thác tự nhiên, thô sơ và lạc hậu. Cải tạo đất, trồng cây công nghiệp đòi hỏi một hệ thống tưới tiêu quy mô và trình độ canh tác cao vẫn còn bỏ ngỏ. Khai thác các dịch vụ, du lịch vẫn còn ít ỏi trong khi rừng đầu nguồn tiếp tục bị chặt phá làm tăng nguy cơ phá hủy đất, bồi lấp lòng hồ, thay đổi lưu lượng nước và vì thế làm cho dòng sông trở nên khó kiểm soát hơn.
Chìm dưới lòng hồ biết bao kỉ niệm của những người, những gia đình đã từng sinh sống nơi đây. Khó hiểu hết những giá trị vật chất, tinh thần mà người dân ven sông đã mất đi và không tìm lại được. Mảnh đất nơi họ sinh ra, mái nhà nơi họ ở, bến nước nơi trai gái hẹn hò, cha gác dao khi đi rẫy về, nơi mẹ nhóm bếp khi mặt trời xuống núi…Thế hệ chúng tôi từ mọi miền đất nước đến với thủy điện Ialy, đến với dòng sông không chỉ có hoài bão và mơ ước cho bản thân mà còn muốn giữ lại những giá trị chứa đựng trong tâm hồn của người dân nơi đây-giữ gìn tâm hồn một dòng sông. Đó không chỉ là trách nhiệm với thế hệ đã đi trước mà cho cả người dân đang ở đây về một miền đất xanh tươi, trù phú. Khát vọng ấy không chỉ là để ánh điện Ialy đến từng buôn làng trên đất Tây Nguyên mà còn là xây dựng niềm tin của người dân về những công trình thủy điện gắn với phát triển bền vững kinh tế, an sinh xã hội. Tiềm năng phát triển của vùng hồ đã được mở ra nhưng biến tiềm năng thành nguồn lợi kinh tế là chặng đường dài. Nguồn lợi thủy điện đã được khai thác hiệu quả nhưng sản lượng điện cũng sẽ giảm đi nếu lượng nước hữu ích càng ngày càng thu hẹp. Sự mất dần màu xanh của rừng, rừng không còn giữ được nguồn nước cần thiết điều tiết cho hồ chứa. Mất dần màu đỏ của đất, đất đã không còn đủ sức để nuôi cây…đã làm cho cư dân ven hồ ngày càng khó khăn. Sự biến đổi khí hậu, nước ngọt trở nên khan hiếm và tương lai các nhà máy thủy điện phải chia sẻ việc cùng khai thác nguồn nước ngọt cùng các lợi ích mà dòng sông mang lại. Trong khi nước chính là nguồn nhiên liệu quý để sản xuất điện.
Màu xanh của rừng đang bị mất đi, diện tích rừng ngày càng thu hẹp (1)
Là một thành viên trong cộng đồng cùng khai thác những lợi ích của dòng sông, Công ty thủy điện Ialy đã xác định sự phát triển bền vững phải bắt đầu từ việc vận hành, khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện gắn liền với lợi ích của cả cộng đồng dân cư mưu sinh trên những vùng hồ. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, bền vững về môi trường sống và hạn chế thiệt hại đến mức tối đa cho cộng đồng ven sông. Dân cư phải sống được với hồ, với rừng, giữ được màu xanh của cây, màu đỏ của đất, giữ được nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, góp phần vào việc điều tiết hồ chứa, giữ nguồn nguyên liệu quý giá cho dòng điện là mục tiêu quan trọng được lãnh đạo Công ty quan tâm. Về lâu dài, sự phát triển của Ialy gắn bó với cộng đồng là xu thế tất yếu. Hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Quan tâm đến an sinh xã hội, quan hệ tốt với dân cư…đã và đang là nhiệm vụ thường xuyên của Doanh nghiệp. Niềm tin của chúng tôi là cùng với sự đồng thuận của cư dân vùng hồ, sự giúp đỡ của địa phương, chung tay, chung sức phát triển vùng hồ đẹp phong cảnh, giàu về sản vật, phát triển kinh tế, khai thác tốt dịch vụ, bảo vệ môi trường. Đó là những đôi tay vững vàng thắp sáng điện đến với buôn làng, “thắp sáng niềm tin” của nhân dân với Công ty. Để thế hệ mai sau sẽ tiếp nối thế hệ hôm nay vì dòng Sê san mãi trong xanh, giàu có, bình yên và hạnh phúc.
Một vùng hồ rộng lớn và giàu có với những tiềm năng chưa được khai thác đúng mức nhưng quy mô và sự phát triển trong tương lai ai cũng nhìn thấy. Rừng cây bạt ngàn, lòng hồ ăm ắp cá, nguồn nước dồi dào tưới tiêu cho ruộng đồng, vườn cây trĩu quả, phong cảnh hữu tình, dân cư sung túc và thân thiện, đem đến cho mỗi người sự bình yên và hạnh phúc là mơ ước của những người đang sống, làm việc và gắn bó với dòng Sê san.
(1) Căn cứ Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Công ty Thủy điện Ialy đóng phí dịch vụ môi trường rừng năm 2011 với số tiền lên đến hơn 110 tỷ đồng (20 đồng/kWh)
Lê Minh Tuấn – Thủy điện Ialy