Hiến
máu nhân đạo cứu người là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện
sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng; thể
hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
Máu
là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trên đất nước ta đang có hàng ngàn những
số phận không may mắn, đang cần truyền máu để duy trì sự sống. Những giọt máu
tình nguyện hiến dâng sẽ mang đến niềm tin, niềm hy vọng cho sự sống của con
người. Thế nhưng, theo số liệu mới nhất của Trung tâm huyết học và truyền máu
Trung ương, nhu cầu truyền máu hiện nay đã vượt gần gấp đôi sức cung của ngân
hàng máu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được nhiều người
trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của
chính các người bệnh đang cần đến máu.
Chúng
ta có thể nhường cơm xẻ áo cho người nghèo, cho trẻ em mồ côi, những người hoạn
nạn được thì hãy đừng ngần ngại khi hiến một phần máu trong cơ thể mình cho
những người bệnh đang ngày đêm trông đợi hành động của chúng ta. Người bệnh
được truyền máu không chỉ được tiếp nhận vào cơ thể mình một loại thuốc quý mà
còn được đón nhận cả tình thương bao la của đồng loại.
Với tinh thần "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời
ở lại", mỗi chúng ta không
thể thờ ơ trước những người bệnh rất cần sự sống, hãy cùng hướng về cộng đồng với niềm vui,
niềm tự hào vì được hiến đi giọt máu của mình để cứu sống những người đang mắc
phải những căn bệnh hiểm nghèo.
Hãy vì tình thương, vì trách nhiệm với cộng đồng mà sẵn sàng
hiến tặng những giọt máu thắm
đượm tình người để cứu sống những người bệnh hiểm
nghèo.
Hiến
máu không có hại cho sức khỏe
Hiến máu theo hướng dẫn của Bác sỹ không có hại cho sức khỏe. Điều
đó đã được chứng minh bằng các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế. Máu có nhiều
thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới
hằng ngày. Nếu lượng máu hiến một lần không quá 9ml/kg (<1/10 lượng máu của
cơ thể) thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Ngay trong khi hiến máu số lượng
máu trong cơ thể của bạn có thể thay đổi nhưng bạn đừng lo các chỉ số vẫn ở
trong giới hạn sinh lý bình thường và cơ thể tự điều hòa không ảnh hưởng đến
chức năng sống còn của cơ thể. Khi hiến máu sẽ
giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm
nguồn cấp máu thường xuyên. Thông thường, cơ thể con người thay thế máu trong
vòng 48 giờ sau khi cho và tất cả các tế bào hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được
thay thế trong vòng 4 - 8 tuần. Quá trình bổ sung có thể giúp cơ thể làm mới hệ
thống và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, cũng như làm việc hiệu quả hơn.
Khi
đăng ký hiến máu bạn được kiểm tra sức khỏe như: cân nặng, đo huyết
áp, đo nhịp tim và nhiệt độ. Đây cũng là dịp để đánh giá chức năng hoạt động cơ
thể và phát hiện bệnh kịp thời (nếu có).
Hiến máu nhiều lần sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng; làm giảm nguy
cơ ung thư, nguy cơ ứ đọng sắt và nguy cơ bệnh tim mạch; rất có lợi đối với
người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc. Ngoài ra các kích tố của một số cơ quan nội
tiết, tiết ra để kích thích tạo tế bào máu còn tạo cho việc chuyển hoá của cơ
thể tốt hơn sau khi hiến máu.
Việc cho và nhận máu đều được thực hiện theo những quy trình, quy
định chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho cả người cho và người nhận.
(Theo Tài liệu
"Những lợi ích của việc hiến máu" và "Quyền lợi, chế độ đối với người hiến máu tình
nguyện" của Viện huyết học và truyền máu
Trung ương).
Ai có thể tham gia hiến máu
Tất cả chúng ta, người có sức khoẻ bình
thường đều có thể hiến một phần máu của mình để cứu người mà không hề ảnh hưởng
đến sức khoẻ. Người hiến máu ở độ tuổi từ 18 - 60 tuổi; cân
nặng từ 45kg trở lên (đối với nam) và từ 42kg trở lên (đối với nữ); không bị
nhiễm hoặc không thực hiện hành vi nguy cơ cao gây nhiễm HIV, viêm gan B, viêm
gan C và các bệnh lây nhiễm qua đường máu; không mắc các bệnh cấp và mãn tính:
tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày, tàn tật...
(Quy định tại Chương II, Mục 1, Điều 4 Thông tư
số 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 của Bộ y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu).
Quyền lợi của người tham
gia hiến máu
Người hiến máu khi tham gia hiến máu được
khám và tư vấn về sức khỏe miễn phí để đảm bảo bạn đủ cân nặng, huyết áp
bình thường, không bị mắc các bệnh mãn tính, được kiểm tra và thông báo kết quả
các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut
viêm gan C, giang mai, sốt rét... Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc
nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, phòng
chống bệnh tật. Ngoài ra, người hiến máu được bồi dưỡng và chăm sóc theo các
quy định hiện hành, đặc biệt được cấp Giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện của
Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, Giấy Chứng nhận
hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng
lượng máu người hiến máu đã hiến (trong trường hợp người hiến máu cần phải
truyền máu). Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế
công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu.
(Quy định tại Chương II, Mục 3, Điều 12 Thông tư
số 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 của Bộ y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu;
Điều 4 Thông tư 33/2014/TT-BYT ngày 27/10/2014 của Bộ y tế về Quy định giá và
chi phí phục vụ việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt
tiêu chuẩn; và Quy định về Quyền lợi, chế độ đối với người hiến máu tình nguyện
của Viện huyết học và truyền máu Trung ương).
Những lưu ý khi hiến máu
Đêm hôm trước ngày hiến
máu không thức quá khuya, không uống rượu bia, nên ăn nhẹ trước khi hiến máu,
không ăn chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu. Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh
hoạt nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gắng sức, không thức quá khuya, không uống
rượu bia, tăng cường thức ăn bổ máu như thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương...
dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể. Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần
(đối với nam) và 16 tuần (đối với nữ).
(Theo Tài liệu "Căn
dặn của thầy thuốc với người hiến máu" của Viện huyết học
và truyền máu Trung ương).
Hưởng ứng Chương trình "Tuần lễ hồng EVN" tại Chỉ thị Liên tịch số
4899/CTLT-EVN-CĐĐVN ngày 20/11/2015 của Tổng giám đốc và Chủ tịch Tập đoàn Điện
lực Việt Nam về việc thực hiện các hoạt động an sinh xã hội kỷ niệm 61 năm
"Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam" và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XII, đã được Giám đốc và Công đoàn Công ty phát động dự kiến sẽ được tổ
chức vào ngày 09/01/2016 tại Văn phòng Công ty; CBCNV
Thủy điện Ialy hãy thể hiện nghĩa cử cao đẹp của người thợ điện và trách nhiệm
vì cộng đồng của EVN, hãy đăng ký tham gia hiến máu để cùng chia sẻ sự sống từ
những giọt máu nghĩa tình với những người bệnh trong thời điểm khan hiếm máu
trầm trọng như hiện nay, góp phần mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân. Đó
là "Món quà ý nghĩa cho cộng đồng",
góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa
bàn./.
Hải Phương
tổng hợp