Những
ngày cuối tháng 7, hàng triệu trái tim người dân nước Việt đều hướng về ngày thương
binh liệt sỹ (27/7) để tri ân, tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh xương
máu của mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc. Với
những đoàn viên thanh niên Ialy, những ngày này gợi nhớ lại chuyến hành trình của
8 năm về trước cùng biết bao kỷ niệm, cảm xúc không thể quên. Xin được kể lại
như một lời tri ân với các thương binh, liệt sỹ.
Tháng 7 năm 2006...
Chúng tôi
được Lãnh đạo Công ty tạo điều kiện tổ chức chuyến Hành trình về nguồn với những
điểm đến là Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường
9, Thành cổ Quảng Trị, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm...tâm trạng mọi người đều háo hức
cho một chuyến đi xa, mang nhiều ý nghĩa.
Điểm dừng
chân đầu tiên của đoàn là Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Thắp nén nhang tri ân
những ngôi mộ Liệt sĩ trong một chiều lộng gió, giữa khói nhang lãng đãng, được
xem những thước phim tài liệu, được nghe những lời giới thiệu mới hiểu thêm những
hy sinh to lớn, những nỗi đau còn mãi với thời gian khi mà chiến tranh đã lùi
xa mấy mươi năm nhưng vẫn còn biết bao phần mộ liệt sĩ chưa xác định được nhân
thân. Chỉ cầu mong sao hương linh của các liệt sỹ trong cõi hư vô nào đó được
trở về nơi đây, bên cạnh đồng đội của mình hay linh thiêng mách bảo cho đồng đội
sớm tìm được các anh sau những chuyến xuyên rừng vượt suối.
Chúng
tôi đã thắp nhang tại nơi linh thiêng này - Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn
Đồng Lộc
là khu tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và là mảnh đất thiêng vì đây
là nơi yên nghỉ của 10 cô gái anh hùng, đến Ngã ba Đồng Lộc, ai cũng sẽ được
nghe kể về những chị Cúc, chị Tần, chị Xuân, chị Hợi... Các chị, 10 nữ thanh
niên xung phong đã hy sinh tại đây vào năm 1968, khi tuổi đời mới từ 17 đến 24,
đã trở thành bất tử trong mỗi trái tim Việt Nam.
Rồi trận
chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, biết bao nhiêu anh, chị đã ngã xuống
khi còn chưa quá đôi mươi? Khi chúng tôi còn đang mãi mê trong dòng hoài niệm, bất
chợt cô hướng dẫn viên ngâm 4 câu thơ trong bài Lời gọi bên sông của Lê Bá Dương, một cựu chiến binh Quân đội Nhân
dân Việt Nam từng tham gia trận đánh năm xưa: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai
mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...". Một thoáng rùng mình,
một cảm giác xúc động tràn ngập trong lòng tất cả các thành viên trong đoàn.
Đến bệnh
xá Đặng Thuỳ Trâm, đọc đi, đọc lại rất nhiều lần cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chúng
tôi càng nhận rõ hơn, sâu sắc hơn về lý
tưởng, mục đích sống của thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng chiến
tranh. Sống bên cái chết, mất mát đau thương diễn ra từng ngày, con người ta càng
ngời lên tinh thần bất khuất, quả cảm. Tôi nhớ mãi những dòng này trong cuốn nhật
ký của chị Trâm: "...ngày 14.7.69 cuộc sống
ở đây vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hi sinh còn dễ hơn ăn một bữa
cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người
đó. Con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc.
Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì dâng trọn
đời mình cho Tổ quốc...".
Trong
những ngày kỉ niệm này, Tuổi trẻ Ialy đã thực hiện những hành động ý nghĩa và
thiết thực: dọn vệ sinh khu vự Đài tưởng niệm, Ngôi mộ chung, phối hợp với Đoàn
thanh niên Sông Đà khu vực Miền Trung-Tây Nguyên tổ chức chương trình Thắp nến
tri ân đến những Anh hùng Liệt sĩ, những người đã hy sinh vì dòng điện Ialy như
một lời tri ân của thế hệ thanh niên hôm nay đối với thế hệ cha anh đi trước. Và
hơn thế nữa, chúng tôi luôn nguyện với lòng mình sẽ sống, lao động, học tập bằng
tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ để không phụ lòng những người đã ngã xuống.
Tôi viết
nhữnng dòng này trong dạt dào của cảm xúc, kỷ niệm của chuyến hành trình về nguồn
dù đã qua hơn 8 năm.
Văn Thanh