Hoàn cảnh ra đời và nhu cầu thực tiễn
Tại Nhà máy Thủy điện Ialy, các tổ máy thường xuyên vận hành trong nhiều chế độ khác nhau để đáp ứng linh hoạt yêu cầu điều độ hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, khi vận hành tổ máy dưới 130 MW, vùng được đánh giá là không ổn định, có thể tiềm ẩn các nguy cơ như: xâm thực bánh xe công tác, rung động tăng cao…thì việc theo dõi, thống kê và đánh giá thời gian làm việc ở chế độ này là hết sức cần thiết. Trước đây, việc thống kê chủ yếu được thực hiện thủ công qua báo cáo nhật ký ca, tiềm ẩn nhiều rủi ro về độ chính xác, phụ thuộc vào con người và thiếu tính kịp thời.
Nhận thấy hạn chế này, nhóm tác giả sáng kiến tại Phân xưởng Vận hành Ialy đã chủ động khai báo và lập trình một chức năng mới tích hợp trực tiếp trên hệ thống điều khiển giám sát DCS, một bước đi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn trong tiến trình số hóa công tác vận hành.

Màn hình hiển thị đặc tính tua bin thủy lực tại Nhà máy thủy điện Ialy
Ưu điểm nổi bật của sáng kiến
1. Tính tự động và tích hợp cao: Chức năng được lập trình tích hợp thẳng trên nền tảng DCS, vốn là "bộ não" điều khiển của nhà máy, giúp giám sát thời gian vận hành ở chế độ dưới 130 MW hoàn toàn tự động, liên tục và chính xác theo thời gian thực.
2. Giảm phụ thuộc vào thao tác thủ công: Nhân viên vận hành không còn phải thống kê bằng tay qua nhật ký ca, giảm sai sót và tiết kiệm thời gian, đặc biệt là trong các ca trực đêm, ngày nghỉ hoặc thời điểm cao điểm vận hành.
3. Hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng: Các dữ liệu thống kê sẽ giúp cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo đơn vị nhanh chóng đánh giá tần suất tổ máy vận hành dưới vùng ổn định, từ đó chủ động đưa ra các giải pháp điều hành hoặc kiến nghị điều độ hệ thống hợp lý hơn.
4. Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao: Sáng kiến tận dụng hạ tầng hiện có (hệ thống DCS), không cần trang bị phần cứng mới, chỉ cần lập trình và thiết kế giao diện, cho thấy khả năng tận dụng tài nguyên sẵn có trong công cuộc CĐS.
Tuy mang lại hiệu quả thiết thực nhưng sáng kiến vẫn còn một số điểm cần cải tiến hoàn thiện. Trong giai đoạn tới, nếu được tích hợp thêm với hệ thống Big Data của EVN hoặc kết nối với nền tảng AI phân tích dự đoán, sáng kiến này hoàn toàn có thể nâng tầm thành một công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều độ vận hành thông minh.
Sáng kiến trên là chứng minh cho quan điểm “CĐS bắt đầu từ những việc nhỏ, thiết thực và hiệu quả” mà Công ty luôn đã và đang thực hiện trong thời gian qua. Thay vì chờ đợi các giải pháp công nghệ từ bên ngoài thì chính những người trực tiếp vận hành, với hiểu biết chuyên sâu về thiết bị, quy trình và nhu cầu thực tế đã chủ động đề xuất, lập trình và triển khai một tính năng mới đáp ứng đúng nhu cầu.
* Các đồng tác giả đề tài trên đều thuộc EVNHPC IALY, gồm: (1) ô. Đỗ Thanh Phong - Kỹ sư (KS), Phân xưởng Vận hành Ialy; (2) ô. Trần Thái Bình - KS, Phó giám đốc (khi đăng ký sáng kiến là Quản đốc phân xưởng Vận hành Ialy).
Nguyễn Tiến Danh - Phân xưởng vận hành Ialy