PV. Thưa ông, sau thủy điện Ialy là hai công trình thủy điện khác là Pleikrông, Sê San 3 được xây dựng trên hệ thống sông Sê San mà Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giao cho công ty thủy điện Ialy quản lý, vận hành. Sản xuất điện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ông nhìn nhận việc này như thế nào trong suốt 25 năm qua ?
Ông Đoàn Tiến Cường: Qua 25 năm hình thành và phát triển, Công ty Thủy điện Ialy được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao quản lý vận hành ba công trình thủy điện lớn trên bậc thang thủy điện sông Sê San là Ialy, Sê San 3 và Pleikrong. Nhiệm vụ chính của Công ty là quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả các công trình được giao. Tính đến nay, các nhà máy thủy điện do Công ty quản lý đã vận hành an toàn, liên tục, hiệu quả và sản xuất được sản lượng điện hơn 110 tỉ kWh hoà vào lưới điện quốc gia. Góp phần quan trọng góp phần quan trọng cùng EVN cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh năng lượng, dự phòng công suất, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến với đồng bào các dân tộc cả nước.
Ngoài sản lượng điện sản xuất, các nhà máy này còn cung cấp các dịch vụ hết sức quan trọng cho hệ thống điện, như tham gia điều khiển tần số, chạy chế độ bù đồng bộ để nhận công suất phản kháng phục vụ ổn định điện áp, giúp hệ thống điện quốc gia được vận hành linh hoạt trong bối cảnh điện mặt trời, điện gió thâm nhập ngày càng cao.Việc quản lý, nâng cao các chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật cũng luôn là điểm mạnh của Công ty, cụ thể là hệ số khả dụng cao, tỷ lệ điện tự dùng thấp, năng lực chuyển phát/bù rất linh hoạt.
Từ năm 2021, Công ty đã triển khai thực hiện mục tiêu kép là vừa tổ chức sản xuất điện tại 03 nhà máy, vừa phối hợp thực hiện các nhiệm vụ điều hành mức nước các hồ chứa một cách linh hoạt, phục vụ thi công xây dựng nhà máy Ialy mở rộng; vừa tham gia thực hiện tư vấn giám sát xây lắp thiết bị, đào tạo nhân lực chuẩn bị sản xuất, tiếp quản vận hành nhà máy, bảo vệ an ninh an toàn công trình hiện hữu; góp phần để Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng đưa vào vận hành vượt tiến độ, sẵn sàng vận hành chính thức nhà máy này từ năm 2025.

PV. Trong công tác quản lý doanh nghiệp luôn luôn đòi hỏi sự thay đổi, kể cả việc áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao, vậy doanh nghiệp làm thế nào để được vẫn yêu cầu?
Ông Đoàn Tiến Cường: Ngoài công việc quản lý, vận hành sản xuất điện, những năm gần đây, Công ty đã nghiên cứu, áp dụng chính sách bảo trì, sửa chữa thiết bị chủ động, tập trung nâng cao độ tin cậy, thay cho chế độ sửa chữa thụ động trước kia. Cụ thể là, thay vì sửa chữa phòng ngừa hàng loạt thì nay chỉ sửa chữa những thiết bị cần phải sửa, và chỉ sửa thiết bị trước sự cố. Để làm được việc này, Công ty đã tăng cường công nghệ quản lý, tự động động hoá quy trình sản xuất, áp dụng kỹ thuật giám sát trực tuyến để thu thập dữ liệu tình trạng thiết bị; việc bảo dưỡng thiết bị được thực hiện theo phương pháp tập trung vào độ tin cậy thiết bị (RCM - Reliability Centered Maintenance). Do đó, chi phí bảo dưỡng và nhân lực bảo trì giảm xuống đáng kể. Cụ thể là giảm từ 11 xuống còn 9 đơn vị, nhân lực từ khoảng 500 người xuống còn 250 người, trong khi đó độ tin cậy thiết bị được nâng lên, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản xuất điện.

Gian máy ngầm Thủy điện Ialy
Về quản trị, Công ty tập trung nâng cao năng lực quản trị, như đã tiến hành ra soát, cụ thể hóa, áp dụng trực tiếp một số quy chế, quy định của Tập đoàn, ban hành các quy trình thực hiện công việc theo hướng lưu đồ hóa, để nhân viên nào cũng có thể thực hiện được và thực hiện đúng. Việc chuyển đổi số được áp dụng mạnh mẽ, các quy trình quản lý công việc, nhân sự, tài chính và sản xuất được chuẩn hóa, số hóa và thực hiện tự động trên các nền tảng phần mềm dùng chung của Tập đoàn. Hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn, hồ sơ, tài liệu phục vụ điều hành và sản xuất…được thực hiện trên phần mềm, gần như không thực hiện hồ sơ giấy. Việc quản lý doanh nghiệp chuyển từ quản lý quá trình sang quản trị mục tiêu nhờ vào dữ liệu, do đó, trở nên chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và tính giải trình cao.
Để đáp ứng quá trình chuyển đổi nêu trên, chất lượng nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt và quyết định hàng đầu. Việc đào tạo nâng cao nhận thức, tiếp cận và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số theo phương châm đảm bảo dẫn dắt của người đứng đầu và tham gia của tất cả mọi người.
PV. Ông có nhận xét gì về những thay đổi chung ở địa phương có các nhà máy thủy điện đứng chân ?
Ông Đoàn Tiến Cường: Tôi rất vui mừng khi Công ty đã có đóng góp thiết thực, chứng kiến những thay đổi tích cực của địa phương nơi nhà máy đóng chân, đó là những thay đổi về diện mạo nông thôn, những làng tái định cư được xây dựng khang trang hơn, tốt hơn nơi cũ; những con đường, hồ thuỷ lợi được tài trợ xây dựng bởi Tập đoàn điện lực Việt Nam. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện đáng kể. Ngoài nhiệm vụ sản xuất điện cho hệ thống điện quốc gia để phát triển kinh tế xã hội nói chung, đóng góp ngân sách của Công ty cho các địa phương Gia Lai, Kon Tum cũng rất đáng kể, với hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Sự tích cực đóng góp công tác an sinh xã hội, từ thiện của tập thể cán bộ công nhân viên Công ty với 37 căn nhà tình thương được xây dựng, tổng số tiền ủng hộ cho các hoạt động an sinh xã hội là hơn 11 tỷ đồng cho các quỹ từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ nữ neo đơn, trẻ em nghèo tại địa phương.
PV: Xin cám ơn Ông về cuộc trò chuyện này.

Tuyến công trình đầu mối Thủy điện Ialy