Biến đổi khí hậu làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nó làm cho trái đất ngày càng nóng lên, gây các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán nặng hơn, mưa bão to hơn. Những minh chứng dễ thấy nhất với chúng ta - những người làm thuỷ điện tại Ialy là năm 2009 thì mưa lũ lịch sử, còn năm 2010 thì hạn hán lịch sử, cả hai thái cực đều đã mang lại hậu quả nghiêm trọng. Tôi không biết hết những nguyên nhân của biến đổi khí hậu, nhưng chắc chắn mỗi chúng ta có một phần trách nhiệm.
Năm 2010 quả là một năm rất khó khăn đối với nhiệm vụ sản xuất điện của Công ty thuỷ điện Ialy vì lưu lượng nước về hồ rất ít, mực nước hồ luôn ở mức thấp kỷ lục. Theo thống kê thuỷ văn hàng năm, lưu lượng nước tự nhiên về lưu vực hồ Ialy trung bình tháng 1/2011 là 88,9 m3/s chỉ bằng khoảng 65,2% so với trung bình nhiều năm (TBNN là 136,4 m3/s), bằng khoảng 57,2% so với năm 2009 (năm 2009 là 154,3 m3/s). Hậu quả này rõ ràng là do không có mưa, lũ trong năm 2010 gây nên.
Thử tưởng tượng, nếu một năm, hai năm,… năm năm nữa tình trạng này vẫn tiếp diễn, trời vẫn không mưa, hồ chứa sẽ cạn kiệt nước thì chuyện gì sẽ xảy ra? Câu trả lời rất đơn giản: Công ty chúng ta sẽ không phát điện nữa và bạn sẽ… thất nghiệp.
Để góp phần giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, mỗi chúng ta cần hành động một cách tự giác, kịp thời, có hiểu biết và có trách nhiệm ngay từ ngày hôm nay.
Đối với chúng ta, CBCNV ngành điện, phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệtài nguyên nước sẵn có trong tự nhiên để để phát điện cho tương lai, xa hơn nữa là góp phần gìn giữ Mẹ Trái đất cho con cháu chúng ta.
Chúng ta có thể làm gì? Điều dễ dàng nhất mà chúng ta có thể làm là biết tiết kiệm. Hãy tiết kiệm mọi thứ, ngay cả nước lả. Lâu nay chúng ta không để ý đến vấn đề này, vì vậy từ hôm nay chúng ta cần phải suy ngẫm và hành động ngay để bảo vệ cho chính cuộc sống của chúng ta từ những việc làm nhỏ nhất. Trước tiên, đó chính là sự thay đổi thói quen hàng ngày trong cuộc sống theo hướng tiết kiệm của chính bản thân chúng ta. Chẳng hạn như:
Trồng và giữ gìn cây xanh: Cây xanh hấp thụ khí carbon dioxide, ngăn xói mòn đất và cung cấp oxy sinh thái cho mọi sinh vật sống. Trồng cây xung quanh nhà bạn, thêm một chậu cây sẽ làm cho ngôi nhà bạn xanh hơn, góp phần làm cho môi trường sống sạch hơn. Giữ gìn cây xanh còn bằng cách tuyên truyền rộng rãi tác hại của việc chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy ở địa phương, khu vực gần hồ thuỷ điện…
Sử dụng điện tiết kiệm: Có lẽ bạn không biết rằng việc để cho các thiết bị điện ở chế độ “chờ” trong thời gian dài đã làm tiêu tốn một lượng điện năng tích luỹ khá lớn. Vì vậy hãy tắt điện khi ra khỏi phòng, rút phích cắm ra khỏi ổ hoặc tắt nguồn tất cả các thiết bị như lò vi sóng, máy vi tính, tivi, máy nghe nhạc, bộ sạc điện thoại di động... ở nhà, ở cơ quan khi không sử dụng. Hãy dùng đèn huỳnh quang, mặc dù chúng đắt hơn một tí nhưng bền hơn và tiết kiệm đến 75% điện năng so với bóng đèn bình thường.
Tiết kiệm nước: Hãy đối mặt với thực tế là chúng ta tiêu thụ nhiều hơn cái mà Trái đất có thể cung cấp cho chúng ta và mọi thứ đang dần cạn kiệt, kể cả nước! Cho nên, trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta dùng nước để giặt giũ, lau nhà, chùi rửa đồ đạc, làm vệ sinh cá nhân, nấu nướng, ăn uống, tưới cây v.v… Ở mỗi việc ấy, chúng ta đều có thể để ý để tránh sử dụng nước một cách lãng phí.
Giảm sử dụng túi ni-lông: Bạn có tin rằng các túi nilông không thể bị phân hủy sinh học nên chúng có thể tồn tại trong môi trường đến hàng trăm năm và để sản xuất ra 100 triệu túi nhựa phải tiêu tốn 12 triệu thùng dầu hỏa.
Tận dụng ánh sáng mặt trời:Tại sao bạn không mở tung cửa sổ ngôi nhà bạn, phòng làm việc bất cứ khi nào có thể để đón ánh sáng mặt trời thay vì sử dụng các loại đèn chiếu sáng, như vậy bạn sẽ giảm được lượng điện năng tiêu thụ, đồng thời tiết kiệm được túi tiền của mình, của cơ quan.
Cuối cùng: Bạn hãy là một tuyên truyền viên có trách nhiệm thông qua trao đổi, chuyện trò với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...về những vấn đề môi trường. Việc tuyên truyền, có thể thông qua các các hoạt động văn hoá, văn nghệ, giải trí, thể thao, tình nguyện thì sẽ giúp “vấn đề bảo vệ môi trưòng” xâm nhập vào cộng đồng một cách sâu hơn, hữu hiệu hơn.
Tạ Nguyễn An Sơn- PX1