Tin tức sự kiện

Tây Nguyên đối mặt với một mùa khô khốc liệt

Thứ tư, 23/3/2011 | 14:33 GMT+7
Ðã năm tháng rồi Tây Nguyên chưa hề có mưa. Cả cao nguyên nóng như một chảo lửa. Cây cối khô cháy, úa vàng vì thiếu nước, tưởng chừng chỉ cần đánh rơi một que diêm là tất cả sẽ bốc cháy. Trên những rẫy cà-phê trắng hoa, nhiều chủ rẫy đang hì hụi bơm nước từ giếng tự đào sâu tới cả trăm mét mong tránh một mùa cà-phê mất mùa vì thiếu nước

Hồ thủy điện Yaly chỉ còn hơn mực nước chết 9M.  
Ðã năm tháng rồi Tây Nguyên chưa hề có mưa. Cả cao nguyên nóng như một chảo lửa. Cây cối khô cháy, úa vàng vì thiếu nước, tưởng chừng chỉ cần đánh rơi một que diêm là tất cả sẽ bốc cháy. Trên những rẫy cà-phê trắng hoa, nhiều chủ rẫy đang hì hụi bơm nước từ giếng tự đào sâu tới cả trăm mét mong tránh một mùa cà-phê mất mùa vì thiếu nước.

Tất cả các hồ thủy điện đều thiếu nước

Khô hạn không chỉ gây khó khăn trong việc gieo trồng của người dân Tây Nguyên mà còn tác động xấu đến các nhà máy thủy điện ở khu vực này. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương: Từ nay đến hết tháng 5 tại khu vực này lượng mưa hầu như không đáng kể, nhiều nơi thậm chí không có mưa, nắng nóng trải dài trên diện rộng, khả năng hạn hán khốc liệt hơn hẳn các năm trước. Vì vậy, nguồn nước về các hồ chứa dự báo còn thấp hơn từ 10% đến 50% so với cùng kỳ. Hệ thống sông Sê San, Ðồng Nai, sông Ba sẽ có mức nước thấp hơn mức trung bình các năm trước từ 0,4 đến 0,6m.
 

Hồ Thủy điện Pleikrông nằm ở thượng nguồn sông Sê San thuộc tỉnh Kon Tum, mực nước cũng chỉ đạt 464,7m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 7,3m, bằng khoảng 60% của năm 2010. Trong khi lượng nước về hồ thời điểm hiện tại chỉ bằng 65% đến 70% so với trung bình nhiều năm.

Tại cửa nhận nước của hồ thủy điện Yaly (hồ nước lớn nhất Tây Nguyên), chúng tôi tận mắt nhìn thấy mực nước đang ở mức 498 m . Trong khi đó mực nước dâng của hồ phải đạt 515m. Như vậy đến thời điểm này, hồ Thủy điện Yaly thiếu tới 17m, và chỉ cao hơn mực nước chết gần 9m.

Hồ thủy điện Sê San 3 cũng chỉ đạt 304,5 m, trên mực nước chết 1,3 m, tại nhà máy này, các cửa xả lũ đã hoen đỏ do nằm phơi nắng hai năm rồi, không phải làm nhiệm vụ xả lũ.

Các nhà máy thủy điện vận hành cầm chừng

Công ty Thủy điện Yaly có ba nhà máy là Thủy điện Yaly, Pleikrông và Sê San 3 với tổng công suất 1.080 MW, nếu nước về đủ thì hằng năm các nhà máy này sản xuất được lượng điện bình quân đạt 5,3 tỷ kWgiờ. Song, năm 2010 do thiếu nước, cho nên tổng sản lượng điện của ba nhà máy chỉ đạt 3,785 tỷ kWgiờ, bằng 75% kế hoạch được giao.

Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Yaly Tạ Văn Luận, sở dĩ các hồ chứa của công ty đang còn từ 1,3 m đến 9 m nước so với mực nước chết là do nhà máy đang vận hành theo lệnh của AO (Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia) phát điện cầm chừng để phủ đỉnh lúc cao điểm, để dành nước cho mấy tháng cao điểm sắp tới chứ nếu các tổ máy cứ chạy theo công suất thiết kế thì chỉ vài ngày là hết nước. Do tình hình thiếu nước nghiêm trọng nên sáu tháng đầu năm 2011, EVN giao kế hoạch cho công ty phải sản xuất được 1,250 tỷ kWgiờ, nhưng từ đầu năm đến nay cả ba nhà máy chỉ sản xuất được ngót 200 triệu kWgiờ. Tình hình nước nôi thế này, nếu cuối tháng 5 không có lũ tiểu mãn, sang tháng 6 không có mưa thì khó mà thực hiện được, giọng ông Luận trầm xuống, tôi đọc được sự lo lắng và nỗi buồn trong ánh mắt của ông.

Nhà máy Thủy điện Ðồng Nai 3 nằm ở thượng nguồn sông Ðồng Nai thuộc tỉnh Ðác Nông, đã đưa tổ máy số 1 vào vận hành được ba tháng nhưng cũng chạy cầm chừng. Giám đốc nhà máy Phạm Văn Cúc cho biết, hiện nhà máy chỉ chạy mỗi ngày hai giờ đồng hồ, sản xuất 180 nghìn kWgiờ, nếu đủ nước mỗi ngày tổ máy được 2,1 triệu kWgiờ.

Nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và cung cấp điện cho đất nước với công suất khả dụng lớn nhất, EVN đang tiếp tục chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị thành viên theo dõi sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để điều hành hợp lý, vừa cải thiện tình hình cung ứng điện, đồng thời huy động tối đa các nguồn nhiệt điện. Tuy nhiên, do thủy điện trong hệ thống chiếm tới 33% nên hậu quả thiếu điện do hạn hán là rất nặng nề. Ngoài giải pháp tăng cường cung ứng điện, EVN phải phân bổ sản lượng cho các công ty điện lực địa phương để các đơn vị này chủ động trong cung ứng điện. EVN cũng kêu gọi và vận động các doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất như thay đổi thiết bị tiêu tốn điện bằng các thiết bị tiết kiệm điện, thay đổi giờ sản xuất tránh giờ cao điểm, mỗi doanh nghiệp, công sở, địa phương và gia đình có ý thức tiết kiệm điện sẽ giảm tải cho lưới điện và việc cung ứng điện sẽ đỡ căng thẳng hơn.
 

                 Bài và ảnh: Minh Huệ
(Theo báo Nhân dân điện tử - ngày 23/3/2011)