Tin tức sự kiện

Chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh: Ialy đã sẵn sàng

Thứ sáu, 6/5/2011 | 17:44 GMT+7
Ngày 1 tháng 7 năm nay, thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu khởi động. Ialy là một trong những đơn vị cung ứng điện chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên
Ngày 1 tháng 7 năm nay, thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu khởi động. Ialy là một trong những đơn vị cung ứng điện chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên, đương nhiên cũng tham gia ngay từ đầu vào quá trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy, ông Tạ Văn Luận xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông! Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa Việt Nam sẽ vận hành thị trường phát  điện cạnh tranh, vậy sự chuẩn bị nhập cuộc của Ialy như thế nào?
Ông Tạ Văn Luận: Chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu nói đến thị trường là nói đến yếu tố cung – cầu hay nói cách khác là có mua và có bán. Thực tế thì ở nước ta nguồn cung về điện còn nhỏ hơn về nhu cầu tiêu dùng. Như vậy, sắp tới việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh cũng chỉ mang tính chất khởi đầu, thí điểm…và có thể một thời gian nhất định nào đấy, khi nguồn cung về điện lớn hơn nhu cầu của xã hội thì sự cạnh tranh mới quyết liệt. Tuy vậy, sự chuẩn bị lúc này cho thị trường phát điện cạnh tranh là cần thiết để khi có sự cạnh tranh thực sự trong lĩnh vực này thì mỗi doanh nghiệp cung ứng điện sẽ chủ động tốt hơn.
Công ty Thủy điện Ialy có những yếu tố thuận lợi rất cơ bản, đấy là hạ tầng và nguồn lực. Nói một cách khái quát, hiện Công ty Thủy điện Ialy hiện nắm giữ, quản lý, vận hành, khai thác 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Sê San có tổng công suất là 1.080 MW, mỗi năm đạt sản lượng trung bình theo thiết kế 5 tỷ 310 triệu KWh điện. Trong đó nhà máy thủy điện Ialy có công suất lớn nhất: 720 MW, Sê San 3 có công suất 260MW và Pleikrông có công suất 100 MW. Chúng tôi cũng quản lý, vận hành 2 hồ chứa lớn là hồ Ialy và hồ Plei Krông. Nói vậy để thấy rằng, chúng tôi có thể tích, dự trữ nước khi mùa mưa đến và vận hành, điều tiết nước, chạy máy phát điện khi cần thiết vào lúc cao điểm hay mùa khô chẳng hạn khi nhu cầu về điện tăng cao. Ưu điểm của thủy điện là đáp ứng nhanh và làm nhiệm vụ phủ đỉnh mà các nhà máy nhiệt điện khó có thể làm được điều đó.
Bên cạnh đó chúng tôi có một nguồn nhân lực đủ mạnh để tham gia vào quá trình cạnh tranh. Hiện Công ty Thủy điện Ialy có tổng số 455 cán bộ, công nhân, lao động thì có đến 140 người có trình độ đại học, trên đại học. Trong số này có 8 cán bộ quản lý có trình độ thạc sỹ các chuyên ngành điện và quản trị kinh doanh quốc tế, có thâm niên trong quản lý, điều hành doanh nghiệp, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Và lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật trong doanh nghiệp cũng trải qua nhiều thách thức trong công việc, nên họ có nhiều kinh nghiệm, làm chủ được hoàn toàn thiết bị, máy móc, đảm bảo khả năng vận hành ổn định, liên tục…Trong công tác quản lý thì Công ty Thủy điện Ialy đã sớm áp dụng hệ thống quản lý một cách khoa học. Từ năm 2005,công ty đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (nay đã được tái cấp phiên bản mới ISO 9001:2008). Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này đã đem lại hiệu quả trước hết về quản lý nội bộ. ISO 9001:2008 giúp cho Công ty Thủy điện Ialy cải tiến hệ thống quản lý sản xuất và qui trình mang lại cho việc kinh doanh của doanh nghiệp - một áp dụng  lợi thế thực sự trên thị trường
Mới đây, chúng tôi cũng đã thành lập một tổ chào giá điện, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên và đã được tập huấn nhiều lần, hệ thống công nghệ thông tin của cả 3 nhà máy thủy điện đã được trang bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng với yêu cầu của thị trường phát điện cạnh tranh. Trong tháng 5, tháng 6 này sẽ có những đợt tập huấn tiếp tục về chào giá điện và những qui định chung để sẵn sàng khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
PV: Nhưng thưa ông, khi thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành điều mà xã hội quan tâm đó là, liệu có khả năng hạ được giá điện xuống thấp hơn?  
Ông Tạ Văn Luận: Hiện nay, giá điện của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí có thể nói thấp nhất trên toàn thế giới. Giá bán điện thấp, chi phí đầu tư cao, đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận thấp. Chính vì điều này nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn ra để đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam và điều đó đã dẫn đến tăng trưởng nguồn cung không đáp ứng tăng trưởng về cầu. Có những thời điểm là trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế đất nước và đời sống nhân dân.
 Khi Việt Nam có thị trường phát điện cạnh tranh thì đều tốt với tất cả, không riêng ai. Nhà đầu tư phát triển nguồn điện có lợi, khi ấy sẽ có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh điện. Các nhà kinh doanh khác sử dụng nguồn điện sẽ không bị cắt điện và được cung ứng đầy đủ, ổn định được sản xuất kinh doanh. Người tiêu dùng khác cũng vậy luôn được cung cấp đủ điện. Còn về giá cả đương nhiên nhà nước sẽ qui định giá trần hợp lý và người tiêu dùng điện cũng phải tính toán đến việc tiết kiệm điện sao cho hợp lý. Thực ra lâu nay do giá điện thấp, chi phí cho điện trong một gia đình là khoản chi tiêu phải nói là không đáng kể so với các khoản chi tiêu khác, nên ý thức tiết kiệm điện của mọi người là chưa thực sự lưu tâm. Nếu giá điện tăng lên, người tiêu dùng sẽ có ý thức cao hơn trong việc tiết kiệm điện thì chi phí chưa chắc đã tăng lên đáng kể.
Riêng đối với doanh nghiệp như Công ty Thủy điện Ialy cũng sẽ có những giải pháp tiết kiệm triệt để hơn, ngay cả trong công tác quản lý, điều hành …để hạ giá thành sản phẩm, vừa để có lãi, vừa cạnh tranh được với thị trường…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!