Hoạt động sản xuất

Nâng cao nhận thức về lao động - tiền lương

Thứ hai, 14/12/2009 | 16:28 GMT+7
“Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác lao động - tiền lương tại doanh nghiệp,...
 
Đại tu tổ máy số 1 Thủy điện Sê San 3.

“Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác lao động - tiền lương tại doanh nghiệp, tổ chức công đoàn phải vừa phát huy mạnh mẽ vai trò là người bảo vệ lợi ích cho người lao động, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, giúp người lao động nâng cao nhận thức về các quyền lợi của chính mình”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Bảo – Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội (Công đoàn Điện lực Việt Nam) về vai trò tổ chức công đoàn trong công tác lao động – tiền lương.

           Ngành Điện là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, giữ vai trò “huyết mạch” cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của ngành Điện sẽ có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi cả nước. Trong đó, vấn đề lao động – tiền lương của mỗi đơn vị có ý nghĩa quan trọng. Bởi, một trong những quan tâm lớn nhất của người lao động là việc làm và thu nhập để đảm bảo cho đời sống gia đình, từ đó họ mới yên tâm công tác. Thời gian vừa qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam và các công đoàn cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đảm bảo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho người lao động; tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo sự công bằng giữa thu nhập và cống hiến. Tuy thu nhập bình quân của người lao động toàn ngành Điện chưa cao (năm 2008 đạt gần 4,5 triệu đồng/ người/ tháng), nhưng các quyền và lợi ích người lao động được đơn vị quan tâm, thực hiện đầy đủ, giúp người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
          Tuy vậy, về phía người lao động, có không ít CNVC-LĐ chưa hiểu và biết hết những lợi ích mình được hưởng theo quy định của pháp luật. Nhiều CNVC-LĐ ngành Điện không biết đơn giá tiền lương của EVN được Nhà nước quy định dựa trên cơ sở sản lượng điện thương phẩm chứ không phải theo giá bán điện. Khi tăng được sản lượng điện thương phẩm trên cơ sở lao động sắp xếp hợp lý thì tiền lương mới tăng lên, chứ không phải tăng giá bán điện là lương sẽ được tăng theo. Họ nhận tiền lương, nhưng không để ý bao gồm những khoản thu nhập gì, khấu trừ nộp các chi phí như thế nào. Có trường hợp cán bộ trưởng phòng của một đơn vị, khi chuyển cơ quan mới biết khoản lương trách nhiệm chức vụ của mình đã không được nộp tiền bảo hiểm xã hội. Như thế, chính bản thân người trưởng phòng đó cũng chưa nộp tiền bảo hiểm xã hội cho khoản lương tăng thêm của mình. Là tổ chức đại diện cho người lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam xác định phải giúp người lao động hiểu rõ những quyền lợi chính đáng của mình để tự bản thân người lao động biết, giám sát việc thực hiện các chế độ tiền lương, chính sách tại đơn vị. Người lao động phải có ý thức hơn nữa đến việc tìm hiểu những quyền lợi, chế độ của mình ở vị trí công việc thực tế, cùng với tổ chức công đoàn đối chiếu việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động tại đơn vị.
           Với việc chuyển đổi sang mô hình hoạt động tập đoàn đa ngành nghề, công tác lao động – tiền lương của EVN có sự thay đổi. Trước đây, Bộ LĐTBXH thẩm định và duyệt đơn giá tiền lương SXKD điện cho EVN và phân cấp cho Hội đồng Quản trị duyệt đơn giá tiền lương cho các sản phẩm, dịch vụ khác thuộc Tổng công ty quản lý. Dưới mô hình tập đoàn, Nhà nước chỉ duyệt đơn giá tiền lương cho Công ty mẹ (Tập đoàn). Tập đoàn duyệt đơn giá tiền lương cho các công ty 100% vốn Nhà nước, hạch toán độc lập; còn các công ty cổ phần tự duyệt đơn giá tiền lương trên cơ sở có tham gia ý kiến của Tập đoàn. Hiện, EVN đang thực hiện giao cho các đơn vị tự duyệt đơn giá tiền lương theo các nghị định, thông tư hướng dẫn của Nhà nước để nâng cao trách nhiệm cho các đơn vị, và phía Tập đoàn sẽ tăng cường khâu giám sát hoạt động thực tế. Như vậy, tổ chức công đoàn cơ sở phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác lao động – tiền lương tại đơn vị. Nhất là với việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa của ngành Điện, Công đoàn phải  thể hiện rõ hơn nữa vai trò là tổ chức bảo vệ lợi ích cho người lao động, thông qua việc phối hợp với chuyên môn để tìm mọi giải pháp đa dạng hóa sản xuất, giảm thiểu các trường hợp lao động dôi dư, mất việc làm… Bên cạnh đó, Công đoàn Điện lực Việt Nam và các công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về chính sách lao động - tiền lương cho các cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách. Trên cơ sở đó, tuyên truyền đến mỗi CNVC-LĐ hiểu rõ hơn quyền cũng như nghĩa vụ của mình về tiền lương nói riêng và các chính sách khác liên quan đến người lao động nói chung.
           Làm được các nhiệm vụ trên, tổ chức Công đoàn thực sự là trung tâm gắn kết mối quan hệ lao động, góp phần quan trọng tạo dựng sự đoàn kết tập thể người lao động trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo: Tạp chí Điện lực