Hoạt động sản xuất

EVN: Phát triển bền vững

Thứ hai, 14/12/2009 | 15:23 GMT+7
Với bề dày truyền thống cách mạng, 55 năm qua, trên con đường xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng tổ quốc VN XHCN.
 
 
Với bề dày truyền thống cách mạng, 55 năm qua, trên con đường xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng tổ quốc VN XHCN. Trang thông tin ngành điện xin giới thiệu cuộc trao đổi giữa PV Báo Diễn đàn doanh nghiệp với ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN.
Ông Thanh cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, EVN cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế VN trên đường hội nhập với nền kinh toàn cầu. Để vượt qua những khó khăn này, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã có những chỉ đạo kiên quyết, đưa EVN có những bước phát triển nhảy vọt.
- Đầu tư phát triển các dự án điện là một hướng đi không thể thiếu của EVN. Vậy ông có thể cho biết, vấn đề này EVN đã thực hiện như thế nào ?
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007, EVN đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để phát triển nguồn điện và lưới điện. Về nguồn điện, EVN đã đầu tư và góp vốn vào 48 dự án nguồn điện với công suất 22.748 MW/59.463 MW (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới của cả nước), trong đó 32 dự án do EVN đầu tư 100% vốn với công suất 15.331 MW (chiếm 67,4%) và góp vốn đầu tư 16 dự án với công suất 7.417 MW (chiếm 32,6%). Tổng vốn đầu tư 474.659 tỷ đồng. Về lưới điện: Lưới 500 kV đầu tư 13.200 MVA và 3.178 km đường dây; lưới 220 kV đầu tư 39.063 MVA và 9.592 km đường dây; lưới 110 kV đầu tư 41.315 MVA và 12.659 km đường dây cùng với khối lượng lớn đường dây và trạm biến áp phân phối. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện là 236.882 tỷ đồng.
Từ năm 2006 đến năm 2008, EVN đã hoàn thành và đưa vào vận hành 7 dự án nguồn điện, công suất 1.626 MW (không kể 560 MW mua điện Trung Quốc), đang xây dựng 22 dự án với công suất 8.869 MW. Đến cuối năm 2012, EVN sẽ đưa vào vận hành 29 nhà máy, tổng công suất 10.495 MW, đạt 46,14 % so kế hoạch. Trong thời gian tới, EVN sẽ tập trung khởi công xây dựng 19 dự án với công suất 12.253 MW, trong đó năm 2009 phấn đấu khởi công 4 dự án với công suất 3.800 MW, năm 2010 khởi công 4 dự án với công suất 2.116 MW, số còn lại sẽ khởi công từ năm 2011 trở đi. Có thể nói, đây là giai đoạn EVN thực hiện quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.
- Như ông đã nói để DN phát triển bền vững, một điều vô cùng quan trọng là nâng cao năng lực của cán bộ công nhân viên. Vậy ở EVN vấn đề phát triển nguồn nhân lực được thực hiện như thế nào ?
Vấn đề đầu tư, phát triển nguồn nhân lực vì mục tiêu phát triển bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển của EVN. Hiện nay, lực lượng lao động của EVN có trên 93.000 người, trong đó có 56 tiến sĩ, 1.027 thạc sĩ, 23.377 kỹ sư, cử nhân, 16.312 cao đẳng, trung cấp và trên 49.000 công nhân kỹ thuật. EVN có 1 Trường đại học, 2 Trường Cao đẳng, 1 Trường Cao đẳng nghề. Bên cạnh mô hình đào tạo theo quy chuẩn, các trường đã tăng cường công tác đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại cơ sở sản xuất. nhờ đó đã đào tạo được lực lượng kỹ thuật viên, công nhân chuyên ngành đáp ứng cho sự phát triển của ngành điện. EVN đã cử nhiều cán bộ công nhân viên đi đào tạo tại nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý và sản xuất kinh doanh. Hiện tại, đội ngũ CBCNV của EVN có đủ khả năng làm chủ công nghệ các nhà máy điện hiện đại, các đường dây 500 kV. Trình độ quản lý dự án, tư vấn thiết kế cũng đã đủ khả năng thực hiện các dự án lớn có tầm quan trọng quốc gia như thuỷ điện Sơn La, đường dây 500 kV mạch 2. Năm 2009 và các năm tiếp theo, EVN tiếp tục thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo kế hoạch đã được phê duyệt, hoàn thiện chính sách đào tạo, triển khai đề án tổng thể về chuẩn bị nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, viễn thông 3G, thị trường điện; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng các trường đào tạo.
- Xây dựng Tập đoàn theo mô hình Cty mẹ - Cty con là hướng đi mà EVN đang hướng tới. vậy theo ông mô hình này sẽ đem lại lợi ích gì cho DN ?
Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định số 147/2006/QĐ-TTg và 148/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực VN và thành lập Cty mẹ - Tập đoàn Điện lực VN, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại TCty Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên. EVN hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con, trong đó Cty mẹ vừa trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vừa đầu tư tài chính vào các Cty con, các Cty liên kết, đầu tư tài chính vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh mới, đồng thời định hướng chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ của các Cty con theo chiến lược chung của Tập đoàn và phù hợp với điều lệ của các Cty con, hạn chế tình trạng đầu tư, kinh doanh trùng lặp dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả kinh doanh chung.
 
Một trong những công trình đầu tư xây dựng nhà máy điện của EVN
Việc xây dựng Tập đoàn theo mô hình Cty mẹ - Cty con là động lực thúc đẩy DN chuyển từ cơ chế hoạt động hành chính mệnh lệnh sang cơ chế hoạt động quản lý, điều hành bằng các chỉ tiêu kinh tế là chủ yếu, chuyển từ điều hành tập trung  sang phân cấp, qua đó phát huy quyền tự chủ, trí tuệ, trách nhiệm, tính năng động của các đơn vị, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chiến lược và quy hoạch phát triển EVN giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025:
* Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ của đất nước;
* Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, tách phần chính sách xã hội ra khỏi giá điện;
* Từng bước hình thành và phát triển thị trường điện lực;
* Hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện...
- Một vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm đó là Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo trên địa bàn cả nước giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững. Vấn đề này EVN đã tham gia như thế nào ?
Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, EVN luôn coi việc tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng của Tập đoàn và các đơn vị. Trong thời gian qua EVN đã tham gia nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng như: Ủng hộ chương trình Nối vòng tay lớn - Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ Chương trình Trái tim cho em, ủng hộ Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, ủng hộ Hội nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Ninh Thuận...
Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, EVN đã xây dựng một chương trình hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu. Theo đó, trong giai đoạn 2009 - 2011, EVN sẽ hỗ trợ gần 280 tỷ đồng giúp các huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội một cách bền vững, giúp người dân từng bước thoát khỏi đói nghèo. Các chương trình cụ thể bao gồm: Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, xóa nhà tạm, hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo, hỗ trợ về y tế. Phát huy thế mạnh của mình, EVN sẽ đầu tư các công trình điện đảm bảo đạt mục tiêu 100% xã có điện và đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện tại 3 huyện từ 41% hiện nay lên gần 90% vào năm 2012. Trong 2 năm 2009 - 2010, EVN hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu của Chính phủ và chương trình của 3 huyện, cơ bản xoá hết nhà tạm, hỗ trợ đào tạo nghề và bố trí việc làm cho con em các hộ nghèo, hộ chính sách...
Trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng của Tập đoàn và các đơn vị, đó cũng là một nét văn hoá DN của EVN. Xây dựng văn hóa DN, tạo dựng hình ảnh một EVN thân thiện, năng động, hiệu quả, với các mục tiêu: Xây dựng văn hoá mang bản sắc riêng của EVN, có tầm ảnh hưởng mạnh, tác động và dẫn hướng hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức, tạo niềm tin trong công việc. Đây là cơ sở để xây dựng và phát triển DN bền vững. Việc xây dựng văn hóa DN kết hợp với nâng tầm thương hiệu EVN, tạo chuyển biến căn bản về văn hóa ứng xử và môi trường làm việc, nâng uy tín của EVN trong xã hội.
- Xin cảm ơn ông.
 Theo: Diễn đàn doanh nghiệp