Mai vàng đã hé nở bên tán lá non còn
đọng sương mai. Đám dã quỳ cũng nhuộm vàng dưới những nhành ban trắng muốt ở
hai bên đường từ lúc nào. Và đâu đó, tiếng cồng từ xa vọng lại lẫn hương hoa cà
phê phảng phất theo làn gió nhẹ thêm phần xóa tan đi cái buốt giá của mùa đông...
Mùa
xuân đã về với buôn làng Gia Lai!
Xuân năm nay, Công ty Thuỷ điện Ialy kỷ niệm mười năm ngày thành lập
(28/2/2000-28/2/2010). Với những thành tựu đã đạt được, CBCNV Doanh nghiệp đang
hồ hởi đón một năm mới an lành tươi vui, những khuôn mặt rạng rỡ làm cho không
khí xuân ở nơi đây thêm phần ấm áp hơn.
Để có được như ngày hôm nay, CBCNV Công
ty đã làm nỗ lực rất nhiều để luôn đạt sản lượng điện cùng các chỉ tiêu kinh tế
kỹ thuật do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. Trong niềm tự hào Ialy-Công
trình Thuỷ điện lớn do chính người Việt Nam vận hành từ những ngày đầu tiên
có một phần đóng góp thầm lặng nhưng quan trọng của những người thợ vận hành.
Năm 1997, công trình Thuỷ điện Ialy ở
giai đoạn thi công cao điểm, khẩn trương cũng là lúc Lãnh đạo công trình tuyển nhân
sự để chuẩn bị lực lượng vận hành chính Nhà máy sau này. Khi ấy, chúng tôi tuổi
đời còn rất trẻ, vừa mới tốt nghiệp các trường nghề, cao đẳng, đại học từ mọi
miền quê xa xôi của Tổ quốc theo tiếng gọi Ialy đều hội tụ về đây với lòng
nhiệt huyết của tuổi hai mươi. Sau đó, được đưa đi đào tạo tại các nhà máy thuỷ
điện trong nước và Liên bang Nga, đặc biệt là
thủy điện Hoà Bình và Trị An. Buổi đầu tiếp xúc với các tổ máy phát điện
trực tiếp lên lưới điện Quốc gia thật bỡ ngỡ, không như tưởng tượng khi còn ở
trên ghế nhà trường. Chập chững bước vào nghề, bắt đầu học từng ký hiệu trên sơ
đồ, bố trí thiết bị thực tế, biện pháp đảm bảo an toàn, các thao tác thiết bị, xử
lý sự cố... Hai năm trôi qua, với sự nỗ lực học tập, cố gắng tìm tòi, chúng tôi
đã có thể điều khiển trực tiếp các tổ máy tại nơi học tập và cũng là lúc phải
trở về với Ialy đem những kiến thức học được để chuẩn bị vận hành Nhà máy.
Đầu năm 1999, về lại công trình Thuỷ điện Ialy khi đó gian máy còn là
một hầm sâu thăm thẳm mới chỉ bắt đầu lắp đặt phần dẫn chảy tổ máy 1. Chúng tôi
bắt đầu học tập thực tế tại nơi lắp đặt thiết bị, dưới sự dẫn dắt và điều hành
trực tiếp của anh Nguyễn Tiến (phụ trách công tác vận hành nhà máy Ialy lúc bấy
giờ). Khi mới bắt đầu nghiên cứu, do mới trở về từ các nhà máy khác nhau, ở nhiều
vùng miền khác nhau nên việc nghiên cứu, trao đổi cũng có nhiều cách diễn tả không
giống nhau về một vấn đề, có lúc bàn luận rất sôi nổi, bàn luận mãi cũng thành
quen mà từ nào nghe cũng hay. Ví dụ như khi dùng những thuật ngữ: "Cô lập" hoặc
"Án động" để diễn tả việc "đưa tổ máy ra sửa chữa". Hay thao tác một thiết bị cũng
có nhiều ý kiến khác nhau nhưng sau đó chúng tôi đã thống nhất được, tìm ra các
bước thao tác tối ưu nhất và kết quả là được quy chuẩn hoá bằng các quy trình
vận hành và xử lý sự cố thiết bị...
Cuối năm 1999, thời điểm đưa thiết bị
phụ vào làm việc. Thời gian này, chúng tôi rất lo lắng vì khi thực tập tại các
nhà máy thì thiết bị đã vận hành ổn định gặp rất ít sự cố, hơn nữa việc thao
tác luôn có các anh vận hành chính thức giám sát và cùng chịu trách nhiệm. Còn
bây giờ chính mình trực tiếp vận hành và chịu trách nhiệm. Khi đưa hệ thống
điện tự dùng một chiều, xoay chiều, trạm bơm... vào làm việc tương đối thuận lợi
không gặp những trục trặc lớn. Nhưng khi bắt đầu đưa hệ thống khí nén vào làm
việc thì gặp một sự cố nhỏ đó là các van an toàn tác động nổ liên tục làm các
chuyên gia và những người thợ xây dựng, lắp máy hoảng sợ không biết chuyện gì
đang xảy ra nên nhanh chóng ra khỏi gian máy. Còn chúng tôi những người trực
tiếp vận hành thiết bị lúc đầu cũng bỡ ngỡ, chưa xác định được nguyên nhân
nhưng liền sau đó xác định được và đã nhanh chóng dừng máy nén khí, mở các van
xả khí để các van an toàn trở về trạng thái bình thường. Đây là một trong những
sự cố đầu tiên mà chúng tôi gặp phải khi bắt đầu vận hành Nhà máy và cũng là
bài học quý giá giúp cho những người vận hành trẻ có thêm bản lĩnh để chuẩn bị
vận hành chính thức tổ máy. Đến giữa tháng 3/2000 tổ máy số 1 đã lắp đặt xong
và chuẩn bị quay không tải mà lực lượng vận hành chính là chúng tôi. Đây là một
vinh dự nhưng lại là một nhiệm vụ hết sức nặng nề vì trước đó hai Nhà máy Thuỷ
điện lớn ở Việt Nam
là Hoà Bình, Trị An đều do chuyên gia người Nga vận hành lúc ban đầu. Khi giao
nhiệm vụ cho chúng tôi vận hành tâm trạng các cấp Lãnh đạo vừa lo lắng, trăn
trở nhưng cũng rất tin tưởng. Ngày quay không tải tổ máy số 1 Ialy đã đến, kíp
trực hôm đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khởi động tổ máy quay vù
vù đến tốc độ định mức trong tiếng vỗ tay, reo hò, tán thưởng của các vị Lãnh
đạo, những người thợ xây lắp... Song đây chỉ là thành công ban đầu, còn nhiệm
vụ tiếp theo là thực hiện hoà lưới tổ máy vào lưới điện quốc gia phát những kWh
điện đầu tiên. Rồi giờ phút khởi động hoà tổ máy vào lưới điện Quốc gia đã đến
(12/5/2000), trước khi hoà tổ máy các đồng chí Lãnh đạo đã truyền đạt kinh
nghiệm và tạo sự tự tin cho kíp trực hôm đó rất nhiều, đặc biệt là đồng chí Huỳnh
Nở (khi đó là Giám đốc Nhà máy), Tạ Văn Luận (khi đó là Phó giám đốc kỹ thuật)
và Bùi Thức Khiết (khi đó là cố vấn công trình) đã đến bảng điều khiển tổ máy 1
đưa ra các hiện tượng bất thường và cách xử lý khi hoà tổ máy có thể gặp phải. Kíp
trực hôm đó là kíp 2 do anh Nguyễn Văn Bình làm trưởng ca đã thực hiện hoà
thành công tổ máy 1 vào lưới điện quốc gia trong niềm vui sướng và hạnh phúc
của biết bao người có mặt trên công trường.
Từng ngày trôi qua, chúng tôi vui buồn theo tổ máy 1, đếm từng kWh tăng
theo từng ngày: 1 triệu kWh, 10 triệu kWh, 100 triệu kWh...mà lòng phơi phới nghĩ
rằng mình đã thật sự trưởng thành trong nghề và đã trực tiếp sản xuất ra dòng điện
cho đất nước. Một thời gian sau đó, tổ máy 2 cũng đã lắp đặt xong, với vốn kinh
nghiệm tích luỹ được khi vận hành tổ máy 1 nên chúng tôi không gặp khó khăn gì
khi đưa tổ máy 2 vào vận hành. Theo thời gian, lần lượt các tổ máy 3, 4 lắp đặt
xong và đựơc đưa vào vận hành mà không gặp sự cố đáng tiếc nào. Khi đưa bốn tổ
máy vào vận hành cũng là lúc gian máy lắp đặt hoàn chỉnh, hệ thống thông gió
chính thức đã được đưa vào làm việc nên thuận lợi cho công việc vận hành hơn. Lúc này, Nhà máy phát động các phong trào vệ
sinh thiết bị, môi trường "Xanh-sạch-đẹp", diệt chuột... được anh em vận hành
hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình, sôi nổi có kết quả ngoài sự mong đợi nên
thiết bị, môi trường trở nên sạch đẹp hơn và từ các phong trào đó có người được
anh em gọi vui là "Dũng sĩ diệt chuột", "Vua sạch"...
Đến năm 2003, Nhà máy Thuỷ điện Ialy
đón nhận một lực thanh niên trẻ vào thực tập để chuẩn bị vận hành Nhà máy Thuỷ
điện Sê San 3 sau này. Lúc đó, chúng tôi có niềm vui mới là được làm thầy truyền
lại những kiến thức, kinh nghiệm vận hành cho các em. Niềm vui được nhân lên
khi những người thợ do chúng tôi đào tạo đã vận hành an toàn nhà máy Thuỷ điện
Sê San 3, đây là minh chứng thể hiện chúng tôi không những là những người thợ
mà thực sự đã trở thành những người thầy trong nghề. Theo sự phát triển của đất
nước các nhà máy Thuỷ điện: Pleikrông, Sê San 4 nối tiếp nhau mọc lên trên dòng
Sê San và những người thợ vận hành ở các nhà máy này cũng từ nơi chúng tôi đào
tạo ra đảm nhận. Ông bà ta có câu: "Đầu xuôi đuôi lọt" các thế hệ vận hành sau đều
tiếp bước những người vận hành Ialy đã đảm nhận tốt nhiệm vụ của mình trên dòng
Sê San.
Mười năm nhìn lại! Theo lớp bụi của
thời gian, lớp trẻ năm xưa-những người thợ vận hành Ialy giờ đã ngoài ba mươi,
có người tóc đã điểm sương. Và hôm nay, có người chuyển qua làm công tác khác,
một số đi vận hành các Nhà máy khác trên dòng Sê San, nhưng nói chung trên dòng
Sê san đều có những người vận hành Ialy của mười năm trước, từng ngày vẫn toả
đều trên từng khúc sông để sản xuất ra những kWh điện cho buôn làng Gia lai,
cho đất nước.
Ngoài kia dòng Sê San vẫn cuộn chảy và trôi
mãi không bao giờ cạn...
Đỗ Đức Thành, Trưởng
ca vận hành TĐ Pleikrông